Niềm vui cho bệnh nhân bị sỏi san hô thận
Trong các loại sỏi niệu, sỏi san hô được xem là loại đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Với mong muốn nâng cao chất lượng điều trị đối với sỏi san hô, TS.BS Huỳnh Văn Nghĩa (khoa Ngoại - Tiết niệu, BVÐK tỉnh) đã nghiên cứu ứng dụng đường rạch bể thận và nhu mô mặt sau theo kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến để lấy sỏi san hô thận và thu được kết quả rất khả quan.
Kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến giúp tạo ra một phẫu trường rộng rãi, có thể lấy được hầu hết các sỏi san hô (SSH), có thể kiểm tra và lấy sỏi nhỏ trong các đài thận. Dù đã đọc trước một tài liệu, nghe mô tả chi tiết nhưng với rất nhiều thuật ngữ y khoa, nhiều người cũng sẽ như tôi, khó lòng nắm bắt vấn đề. Thay đổi góc tiếp cận, tôi thử trò chuyện với bà Thái Thị V. (xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) - bệnh nhân vừa được mổ lấy SSH bằng kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến.
Bà Thái Thị V. cầm cục SSH có kích thước 40 mm ở trong thận của mình nhiều năm qua.
Chỉ vào cục SSH hình dạng như củ gừng có kích thước tới 40 mm, bà V. cho biết, bác sĩ bảo những cơn đau đớn khiến tôi không đêm nào ngủ được là do nó. Ngày 25.3 tôi được phẫu thuật bằng kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến, chỉ sau đúng 1 ngày, tôi đã thoải mái ngồi dậy, ăn cháo và chuyện trò với mọi người.
4 giờ chiều 26.3, tại Phòng số 10 khoa Ngoại Tiết niệu, người thân vây quanh giường bệnh ông Huỳnh Th. (ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) người vừa trải qua ca phẫu thuật lấy SSH bằng kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến. Chuyền tay nhau viên sỏi 30 mm, những người thân của ông Th. thở phào khi biết bác sĩ đã lấy hết sỏi trong thận ông ra rồi. Hỏi thăm tình hình sức khỏe của những bệnh nhân được mổ lấy SSH bằng kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến trong vài ngày trước, tất cả đều xác nhận thấy khỏe hơn nhiều, ăn uống bình thường và họ đã nghĩ đến chuyện được sớm xuất viện.
Theo bác sĩ CKII Hoàng Văn Khả, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu, BVĐK tỉnh, thực tế tại khoa trong nhiều năm qua cho thấy, bệnh nhân nhập viện điều trị thường khi sỏi đã lớn và phức tạp, nhiều trường hợp thậm chí đã có biến chứng nhiễm khuẩn và suy thận nên không thể áp dụng các kỹ thuật ít xâm lấn như: tán sỏi qua nội soi niệu quản, tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi thận qua da...Việc bác sĩ Huỳnh Văn Nghĩa nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến lấy SSH thận đã giúp giải quyết khó khăn cho những ca như vậy. Kết quả thực nghiệm đề tài nghiên cứu ở 34 trường hợp được bác sĩ Nghĩa tiến hành từ tháng 2.2017 đến tháng 6.2018 cho thấy: phẫu thuật an toàn, ít chảy máu trong và sau mổ, lấy được hết SSH trong thận, bảo tồn tối đa nhu mô thận, hạn chế tối đa các tai biến và biến chứng xảy ra trong và sau mổ.
Tại buổi nghiệm thu đề tài của TS.BS Huỳnh Văn Nghĩa vào chiều 20.3 tại Sở KH&CN, Hội đồng KH&CN tỉnh đã thống nhất xếp loại Xuất sắc bởi có tính thời sự và tính ứng dụng cao, đặc biệt với khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng thường xuyên có nhiều ca mắc SSH. Nghiên cứu còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh bởi chỉ mổ một lần duy nhất, không phải thực hiện nhiều ca mổ mới lấy hết SSH như trước đây.
Trước một số băn khoăn của giới chuyên môn về việc phải cắt bỏ xương sườn số 12 được coi là lớp bảo vệ thận trong quá trình phẫu thuật (chuyện này không phải bệnh viện nào cũng thực hiện), bác sĩ Huỳnh Văn Nghĩa giải thích: Vì được coi là lá chắn ở phía sau để bảo vệ thận nên xương sườn 12 che phủ gần hết mặt sau thận, trong khi phẫu thuật Gil-Vernet cải tiến đi vào mặt sau thận. Việc cần thiết phải cắt xương sườn 12 trong quá trình phẫu thuật là để phẫu trường rộng rãi, thao tác lấy sỏi thuận lợi, dễ dàng kiểm soát hết các đài thận, tránh sót sỏi và có thể xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra trong mổ.
Kỹ thuật này đang được khoa Ngoại - Tiết niệu, BVĐK tỉnh tích cực triển khai. Dù vui với việc có thêm một phương pháp phẫu thuật SSH thận an toàn, hiệu quả nhưng các bác sĩ khoa Ngoại - Tiết niệu vẫn nhắc nhở mọi người không được chủ quan với sỏi thận và nếu phát hiện thận có sỏi thì phải điều trị kịp thời.
KHÁNH HUÂN