Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn):
Vì sao dân “ngại” vào khu tái định cư ?
Xã Nhơn Hải hiện có trên 91 hộ dân ở các thôn Hải Đông, Hải Nam, Hải Bắc sinh sống sát mép biển. Sau mỗi đợt mưa, bão, nước biển dâng vào nhà, buộc người dân phải sơ tán đến nơi an toàn hơn; mưa, bão ngớt, người dân lại quay về sửa chữa nhà cửa mới có thể ở được.
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho dân, năm 2008, UBND tỉnh đầu tư trên 12 tỉ đồng xây dựng khu TĐC vùng thiên tai nguy hiểm Nhơn Hải (ở khu vực thôn Hải Nam và Hải Đông) với diện tích 2,5 ha. Đến nay, khu TĐC đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh với mặt bằng, hệ thống điện, nước sạch… đảm bảo việc xây dựng nhà và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, các hộ thuộc diện di dời được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất tại khu TĐC và hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ dân. Thế nhưng, đến nay, chỉ mới có 17 hộ dân đến xây dựng nhà ở và 20 hộ đăng ký nhận đất tại khu TĐC.
Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Hiện nay, UBND xã đã thành lập tổ vận động đến từng gia đình để giải thích cho người dân hiểu rõ tác hại, mất mát khi thiên tai xảy ra nếu tiếp tục định cư ở khu vực thiên tai nguy hiểm; đồng thời, chúng tôi cũng phân tích cho người dân thấy rõ lợi ích khi di dời đến khu TĐC. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2013, sẽ đưa hết 100% số hộ dân nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm vào sống trong khu TĐC”.
Tuy nhiên, xem ra mục tiêu và thời hạn mà ông Phó chủ tịch xã nêu ở trên khó thành hiện thực khi người dân cho rằng còn quá nhiều khó khăn. Ông Lê Định, một người dân ở thôn Hải Đông, phân trần: “Gia đình tôi sống ở đây đã lâu, công việc hằng ngày đều gắn liền với biển. Bên cạnh đó, ở gần biển người dân thuận lợi cho việc trông nom tàu, thuyền neo đậu gần bờ. Nay nếu di dời đến khu TĐC thì việc đi lại xa hơn, mất nhiều thời gian, công việc cũng không được thuận lợi như trước nên tôi chưa di dời đến khu TĐC”. Còn ông Trần Văn Sơn, ở thôn Hải Nam, cho rằng: “Dù biết chủ trương xây dựng và di dời những hộ dân sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai cao đến ở tại khu TĐC là đúng đắn. Nhưng với mức hỗ trợ còn thấp cộng với thu nhập của người dân chỉ đủ đắp đổi qua ngày thì các hộ dân không đủ khả năng xây dựng nhà ở mới tại khu TĐC. Do đó, tôi và nhiều hộ gia đình khác chưa thực hiện việc di dời đến khu TĐC”.
PHÚC LỘC
Không riêng gì nhân dân xã Nhơn Hải mà rất nhiều người dân khác ở các địa phương nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai đều không muốn di chuyển chỗ ở của họ, trừ khi "nước đã tới chân" ! Đơn giản là họ lo ngại rồi đây sẽ sống bằng nghề gì khi xa địa điểm làm ăn của họ? Ông bà ta lâu nay nói rằng:" ăn thì nhiều, chứ ở bao nhiêu!?" Cho dù nhà nước cho họ căn nhà kiên cố, cấp cho họ lên tới 100 triệu đồng/hộ, thì họ cũng đi, nhưng sau đó trở lại chốn cũ. Vì tiền hỗ trợ đó, ăn rồi cũng hết. Lấy gì để mà ăn nữa? Do đó, cái nghề nghiệp vẫn là quan trọng nhất. Bởi vậy mà ông bà ta cũng có câu:" của rề rề, không bằng nghề trong tay" . Cho họ cái nghề mưu sinh đi, họ sẽ đi!