Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS: Lợi ích người học, hữu ích xã hội
Hàng năm, tỉnh Bình Ðịnh có khoảng 19.000 - 20.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Tùy theo đặc thù từng vùng miền, tỉnh sẽ phân bố tỉ lệ phân luồng, trung bình sẽ có khoảng hơn 80% học sinh được vào các trường THPT công lập, số còn lại sẽ theo học các hệ khác nhằm từng bước hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục THPT và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 6.739 học sinh (HS) sau tốt nghiệp (TN) THPT, THCS vào học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong tỉnh; trong đó, có 2.408 HS sau TN THCS học hệ trung cấp nghề theo chương trình phân luồng. Đến nay, có 2.054 HS TN trung cấp nghề, 1.422 HS TN cao đẳng nghề.
Học trung cấp nghề: Miễn phí!
Công tác phân luồng HS sau TN THCS được định hướng theo các luồng chính: Học tiếp lên THPT; học lên trung cấp nghề; vừa làm vừa học theo chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX). Khi theo học hệ trung cấp nghề hoặc theo chương trình GDTX, HS vẫn được học chương trình phổ thông, thi TN THPT với chương trình gọn nhẹ, phù hợp năng lực và định hướng tương lai của các em hơn. Hiện nay, tại Bình Định, HS sau khi TN THCS nếu học tiếp trung cấp nghề được miễn 100% học phí.
Học sinh hệ Trung cấp Khoa Điện Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn trong một tiết thực hành.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Trên thực tế nhiều cử nhân ra trường không tìm được việc làm buộc phải làm việc không đúng chuyên môn, thậm chí phải tìm cách học lại nghề khác. Việc phân luồng cũng sẽ xác định khả năng, năng lực của HS để định hướng ban đầu, giảm chi phí, thời gian đối với HS sau TN THCS. Việc xác định “rẽ nhánh” sang học nghề phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân, gia đình sẽ giúp các em vừa có điều kiện học văn hóa, vừa học nghề, sau khi ra trường sẽ dễ có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình.
“Để công tác phân luồng HS TN THCS đạt kết quả tốt, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh và HS trong việc đổi mới tư duy về học nghề. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của DN, đảm bảo sau khi các em học xong có việc làm ngay. Công tác phân luồng HS sau TN THCS là một chính sách đúng đắn của Đảng – Nhà nước, góp phần giảm tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay, chỉ có điều xã hội vẫn chưa quen nên phải mất thêm nhiều thời gian để thực tế chứng minh!”, ông Hải cho biết thêm.
Nhiều lối vào đời
Tâm lý phụ huynh luôn thích con mình theo con đường chữ nghĩa, tuy nhiên không thể phủ nhận, khi tuyển dụng các DN chỉ tuyển những người thạo việc. Do vậy, HS theo học tại các trường đào tạo nghề ngày càng có thêm cơ hội có việc làm, mỗi năm lại mỗi cao.
Là học viên khóa 5, hệ trung cấp của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ (CĐKTCN) Quy Nhơn, anh Nguyễn Duy Thân (quê ở huyện Tuy Phước) hiện đang phụ trách mảng công nghệ thông tin tại siêu thị Điện máy Chợ Lớn Quy Nhơn chia sẻ: “Ra trường là tôi tìm được việc làm ngay. Ngày đó, nhiều bạn bè tiếp tục theo học THPT, nhưng tôi lại nghĩ tiếp tục học 3 năm THPT, rồi thêm 4 năm ĐH. Mất rất nhiều thời gian mà cơ hội có việc làm để tự nuôi bản thân, tiến tới giúp đỡ gia đình lại chưa hẳn cao. Thực tế và thông tin báo đài cho thấy, nhiều cử nhân ra trường mòn mỏi tìm việc làm. Do vậy, tôi quyết định học nghề công nghệ thông tin tại Trường CĐKTCN Quy Nhơn.Và như tôi ước muốn, ra trường là tôi đã có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay. Mà không chỉ riêng tôi, cả bạn bè cùng khóa với tôi cũng thế. Đến nay, tôi rất hài lòng về sự lựa chọn của mình”.
Tùy theo đặc điểm từng địa phương, tỉ lệ HS vào các trường THPT công lập khác nhau như: TP Quy Nhơn (35% HS vào hệ công lập, 35% HS vào hệ công lập tự chủ), ở các huyện đồng bằng (43% HS vào hệ công lập, 43% HS vào hệ công lập tự chủ), các huyện miền núi (80% HS vào hệ công lập, riêng HS là đồng bào dân tộc thiểu số được tuyển thẳng).
Ông Nguyễn Tiến Phong, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Trường CĐKTCN Quy Nhơn cho biết: “Đối với các em vừa TN THCS, tuổi đời còn nhỏ nên trường vừa dạy vừa dỗ, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động để các em cảm thấy thoải mái. Trường tập trung nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của DN, đa số HS của trường ra trường đều làm việc được ngay”.
Tương tự với chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Phong, ông Lê Tấn Nha, Giám đốc Trung tâm GDTX (Sở GD&ĐT), cho biết: “Vài năm gần đây, số HS sau TN THCS học hệ GDTX tăng lên theo xu hướng phân luồng. Trung bình mỗi năm học, Trung tâm tuyển sinh được 250 - 300 HS, trong số đó có HS vừa học trung cấp nghề vừa học văn hóa tại đây”.
Sinh năm 2002, khi vừa TN THCS Trường THCS Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), em Trần Sỹ Thịnh quyết định theo học Khoa Điện, Trường CĐKTCN Quy Nhơn. “Ban đầu ba mẹ em phản đối quyết liệt, muốn em học tiếp THPT như các bạn. Nhưng em cố gắng thuyết phục cho em học nghề vì sẽ tiết kiệm thời gian hơn, dễ kiếm được việc làm, như thế sẽ hữu ích hơn. Theo em học gì cũng tốt, miễn ra trường dễ kiếm việc và sống được là hay! Mà muốn học lên đại học cũng vẫn còn nguyên cơ hội” - Thịnh chia sẻ.
THẢO KHUY - NGỌC NHUẬN