Ngăn chặn tệ tự tử, tự sát trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão: Cần giải pháp đồng bộ
Những năm gần đây, tệ tự tử, tự sát trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện An Lão vẫn âm ỉ diễn ra; gây nhiều khó khăn, tổn thất cho gia đình nạn nhân, cũng như chính quyền địa phương. UBND huyện An Lão đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, sâu rộng nhằm từng bước ngăn chặn có hiệu quả hủ tục này.
Những con số báo động
Theo thống kê của CA huyện An Lão, trong 2 năm 2017 - 2018, trên địa bàn huyện xảy ra 31 vụ tự tử, tự sát khiến 5 người chết, 26 người được kịp thời cứu sống. Trong đó, năm 2017 xảy ra 13 vụ, chết 2 người; năm 2018 xảy ra 18 vụ, chết 3 người; đa số các trường hợp tự tử là người dân tộc H’rê, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong số 5 người chết, xã An Nghĩa có 2 trường hợp; các xã An Quang, An Trung, An Toàn mỗi địa phương 1 trường hợp.
Qua tìm hiểu trong cộng đồng dân tộc H’rê ở một số xã, chúng tôi được biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tự tử là do người H’rê có tâm lý tự ti, tự ái rất cao và thường nghĩ quẩn. Một lời nói mất lòng, một tác động hoặc việc làm không vừa ý cũng khiến bà con nghĩ đến việc “tự giải thoát”. Ngoài ra, những nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, khó khăn về kinh tế, một số trường hợp uống nhiều rượu, không kiềm chế được bản thân, bi quan do mắc bệnh kéo dài… cũng dễ dẫn đến tự tử.
Ông Nguyễn Lợi, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện An Lão, cho rằng: “Trong thực tế, hầu hết các trường hợp đều không thể xác định chính xác, rõ ràng nguyên nhân. Hành động tự tử thường mang tính tức thời, ẩn sâu trong tiềm thức chủ quan của người muốn tìm đến cái chết nên rất khó phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Đây là thách thức, khó khăn đối với chính quyền các địa phương và các cấp, ngành chức năng liên quan trong việc ngăn chặn hủ tục lạc hậu này”.
Triển khai đồng bộ các biện pháp
Ông Đinh Văn Dớp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện An Lão, cho biết: Để ngăn chặn tệ tự tử, tự sát có hiệu quả, hàng năm, các ngành ở cấp huyện tổ chức 2 đợt cao điểm (trước và sau Tết Nguyên đán) nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con tại các thôn, làng, hộ gia đình. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng liên quan của tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư. Riêng tại xã, thôn, thường xuyên tuyên truyền các tác hại của hủ tục tự tử, tự sát; ngoài ra, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh để hướng bà con sống lạc quan, tích cực; tránh những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Còn theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão: Giữa tháng 2.2019, UBND huyện ban hành kế hoạch “tuyên truyền, vận động phòng ngừa, ngăn chặn tệ tự tử, tự sát” trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch này, chính quyền các địa phương, các ngành, các cấp thống kê, rà soát, xác định cụ thể 5 nhóm người có nguy cơ tự tử, tự sát cao.
Trong đó, nhóm 1 là những người có ít nhất 1 lần tự tử, tự sát nhưng được cứu sống. Nhóm 2 là những người biểu lộ ý định tự tử thông qua lời nói, chuẩn bị công cụ, phương tiện. Nhóm 3 gồm những người là nạn nhân trong các vụ phân biệt đối xử, bạo hành gia đình kéo dài. Nhóm 4 là đối tượng người già, phụ nữ neo đơn bị đau ốm lâu ngày chưa chữa khỏi hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Cuối cùng là nhóm những người mắc bệnh trầm cảm, hoang tưởng.
Đối với từng nhóm, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương có phương pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ cụ thể. Định kỳ hằng tháng, thôn, xã rà soát, báo cáo kết quả tuyên truyền, vận động; chuyển biến tâm lý của từng người thuộc các nhóm đối tượng để kịp thời có hướng chỉ đạo giải quyết.
Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể phát động hội viên đăng ký cam kết gia đình không có người tự tử; thực hiện xây dựng “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “đơn vị văn hóa”. Đặc biệt, đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bám sát địa bàn dân cư; tuyên truyền, giải thích, vận động, hòa giải kịp thời những vụ việc mâu thuẫn trong người dân.
“Cùng với các biện pháp trên, các cấp chính quyền huyện An Lão quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư, phát triển KT-XH; chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, chú trọng nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các hành vi liên quan đến tự tử, tự sát. Từ đó, tạo bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong phòng ngừa, ngăn chặn các hủ tục lạc hậu”, ông Nam cho biết thêm.
VĂN LỰC