Bộ Tài chính đề xuất áp thuế 15% doanh nghiệp siêu nhỏ thay vì 20%
Để tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế 15% đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Riêng hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp thì được miễn thuế 2 năm đầu.
Ngày 27.3, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị Quyết của Quốc hội một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ sẽ áp mức thuế 15-17% thay vì 20% như hiện nay - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Miễn thuế 2 năm đối với hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Với chính sách khuyến khích hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, giải pháp thứ nhất là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.
Sau thời gian miễn thuế này, doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với điều kiện thực tế của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết này và quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đề xuất áp thuế 15% với doanh nghiệp siêu nhỏ
Về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức 17%, còn doanh nghiệp siêu nhỏ có thuế suất 15% thay vì mức 20% như hiện nay.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định là đơn vị có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng, và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% là tổng doanh thu của năm trước liền kề. Doanh nghiệp mới thành lập sẽ do Chính phủ quy định cụ thể tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng.
Để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với những giải pháp về thuế nêu trên, Bộ Tài chính ước tính có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng/năm (trong đó giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng/năm và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm).
Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước, về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.
Bộ Tài chính cho rằng các chính sách miễn giảm thuế nêu trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Qua đó, giải pháp này góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Theo LÊ THANH (TTO)