Xây dựng chi bộ “bốn tốt”
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Chi bộ là gốc rễ của Ðảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chủ trương, chính sách của Ðảng đều được thi hành tốt, mọi việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”, cho nên phải xây dựng chi bộ trở thành “bốn tốt”.
Sinh hoạt chi bộ nền nếp, đủ nội dung, đảm bảo chất lượng là một yêu cầu quan trọng trong công tác xây dựng đảng.
- Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Sinh viên khối xã hội, Đảng bộ Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: MAI LÂM
Nội dung của chi bộ “bốn tốt” là: Tốt về học tập quán triệt, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; tốt về sinh hoạt Đảng; tốt về tự phê bình và phê bình; tốt về phát triển đảng viên. Những tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng chi bộ “bốn tốt” vẫn còn nguyên giá trị và Đảng ta đang chủ trương thực hiện.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 28 về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng”, trước đó là Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22.9.2017 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TWcủa Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới. Ban Tổ chức Trung ương cũng ban hành Hướng dẫn 12-HD/BTCTW ngày 6.7.2018 về “Một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Mới đây, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 18-HD/BTCTU ngày 5.10.2018 về “Khung tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ”… Tất cả những văn bản đó đều nhằm xây dựng chi bộ đạt “bốn tốt”. Vậy xây dựng chi bộ “bốn tốt” phải tiến hành như thế nào để đạt hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Thứ nhất, để thực hiện tốt việc học tập và thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thì khi có chỉ thị, nghị quyết của Đảng ban hành, các chi bộ phải nghiêm túc tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập quán triệt và triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, giới mình một cách tốt nhất. Đó là một bước thực hiện vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và mỗi đảng viên đối với Đảng và xã hội.
Thứ hai, sinh hoạt chi bộ là hoạt động rất quan trọng của Đảng. Chi bộ là tế bào của Đảng, là nơi trực tiếp đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với quần chúng, là nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện, kết nạp, sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng. Chi bộ cũng là nơi thể hiện đầy đủ các hoạt động và sức chiến đấu của Đảng. Bởi vậy, đối với Đảng ta việc xây dựng chi bộ vững mạnh là một công việc vô cùng quan trọng, thể hiện tính chất lãnh đạo trong sinh hoạt chi bộ, nên phải được chấp hành đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Đây là yêu cầu tính đảng trong sinh hoạt chi bộ.
Thứ ba, tổ chức tốt việc tự phê bình và phê bình. Đây là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là nguyên tắc sinh hoạt đảng để giữ vững tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng, là một trong những yêu cầu xây dựng Đảng kiểu mới, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành 5 nguyên tắc: Tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm và tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng. Mục đích của phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm làm cho cá nhân tiến bộ, tập thể vươn lên không còn lề mề, bê trễ, lạc hậu.
Thứ tư, chăm lo cho tốt công tác phát triển đảng viên mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác phát triển đảng là công việc quan trọng, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng. Tư tưởng xuyên suốt trong quan điểm của Bác về phát triển đảng là “coi trọng chất lượng”. Người luôn nhắc nhở: Đảng không phải chỉ cần số lượng cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Số lượng chỉ trở thành sức mạnh khi nó đạt những yêu cầu về chất lượng. Thực tế Cách mạng tháng Tám, chỉ có 5.000 đảng viên mà lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cuộc cách mạng thắng lợi vĩ đại, vang dội năm châu, chấn động địa cầu.
Ngày nay, đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc phát triển đảng đi đôi với củng cố tổ chức đảng đã và đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm trong công tác xây dựng đảng. Việc xây dựng chi bộ “bốn tốt” là đảm bảo bốn mặt nêu trên và ba tính chất sinh hoạt. Đó là: Sinh hoạt lãnh đạo - tính lãnh đạo; sinh hoạt học tập - tính giáo dục; sinh hoạt tự phê bình và phê bình - tính chiến đấu. Căn cứ vào tính chất nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà chi bộ duy trì các hình thức, chế độ sinh hoạt nền nếp, đủ nội dung, bảo đảm chất lượng, đúng nguyên tắc quy định. Đây là những yếu tố quyết định chất lượng chi bộ “bốn tốt”.
Nguyễn Bá Trà