Khu Ðông An Nhơn vươn mình
Về các xã khu Ðông An Nhơn vào những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay, vươn mình lớn dậy của đất và người nơi đây.
Trung tâm xã Nhơn Phong hôm nay mang vóc dáng phố thị.
Khu Đông An Nhơn là cách gọi vùng đất bao gồm các xã: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh. Nối liền với khu Đông An Nhơn là phía Đông Bắc của huyện Tuy Phước, trải rộng sang vùng Đông Nam huyện Phù Cát.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây là căn cứ địa cách mạng. Để trấn áp cách mạng, địch mở hàng loạt vụ càn quét, khủng bố, thảm sát hàng ngàn người dân vô tội ở các thôn Kim Tài (Nhơn Phong); Thanh Mai, Tịnh Bình, Định Thuận (Nhơn Hạnh)… Những năm chiến tranh, cả khu Đông là vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của quân Mỹ - ngụy. Đau thương là thế nhưng dân khu Đông vẫn một lòng một dạ hướng về cách mạng. Với tinh thần bất khuất, người dân khu Đông đã không chịu đầu hàng, lớp lớp thanh niên tiếp bước cha ông đứng lên cầm súng đánh địch, giải phóng quê nhà, xây dựng cuộc sống mới…
Xuôi theo tỉnh lộ 631, tôi về các xã khu Đông An Nhơn những ngày cuối tháng 3 lịch sử. Trong cái nắng vàng tươi, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch lúa vụ Đông - Xuân với niềm vui được mùa. Những con đường bê tông thẳng tắp chạy dài; hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ búa… được xây dựng khang trang. Chợ Cảnh Hàng (Nhơn Phong), trung tâm cầu Chữ Y, chợ Nhơn Thiện (Nhơn Hạnh) buôn bán tấp nập, góp phần đã tạo nên một khu Đông trù phú, đầy sức sống.
Cánh đồng lúa Đông - Xuân xã Nhơn Hạnh vào mùa thu hoạch.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong Nguyễn Duy Thông thông tin: “Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, thời gian qua, xã đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Xã đã tiến hành xây dựng Cụm công nghiệp Nhơn Phong với diện tích rộng 12 ha, hiện có 3 DN đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã đẩy mạnh phát triển nghề trồng mai kiểng, với 300 hộ tham gia trồng 60.000 chậu, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nông dân trên địa bàn xã đã có tổng doanh thu hơn 20 tỉ đồng. Hiện, thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,36%. Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2016”.
Nói về sự đổi thay trên quê hương mình, ông Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong phấn khởi: “Trước đây có mơ cũng khó mà nghĩ cuộc sống của người dân được cải thiện, nâng cao như bây giờ. Đường giao thông từ đầu làng đến ngõ xóm đều được bê tông phẳng lì, điện đường sáng trưng, nước sạch chảy đến tận nhà, cuộc sống nông thôn mà chẳng khác gì thành phố…”.
Còn tại Nhơn Hạnh, năm nay xã đón niềm vui lớn khi được tỉnh công nhận xã nông thôn mới. Theo ông Võ Xuân Hồng, Bí thư Đảng ủy xã, trong điều kiện còn khó khăn, trong 5 năm (2013 - 2018), xã Nhơn Hạnh đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, xã đã đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp. Trên địa bàn xã hiện có gần 400 cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ buôn bán cá thể thuộc các ngành nghề như: vận tải hàng hóa, may mặc, mộc, rèn, đan lát, xay xát gạo, sản xuất bánh tráng và nhiều dịch vụ khác... Chợ Nhơn Thiện đang được đầu tư nâng cấp để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của xã Nhơn Hạnh.
Có thể khẳng định rằng, những “quả ngọt” hôm nay của vùng đất khu Đông An Nhơn chính là nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Tin rằng, với truyền thống anh hùng, các địa phương vùng khu Đông An Nhơn còn tiếp tục tiến dài, tiến xa trong hành trình phía trước.
N. HÂN
Tôi ở thôn Lộc Thuận xã Nhơn Hạnh. Nghe nói xã được công nhận xã nông thôn mới cũng mừng. Chỉ có điều con đường trươc nhà 8 năm vẫn chưa làm, muốn sửa lại nhà, nhưng không làm sao xe chở vật liệu xây dựng vào được.