Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Bình Ðịnh là điểm sáng!
Ðó là đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng tại Hội nghị Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Bình Ðịnh tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 29.3.
Dự hội nghị có Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu và lãnh đạo 12 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (hàng trước, thứ hai từ trái sang) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan khu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt.
Từ điển hình Bình Định
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Chương trình 886) đã đạt được kết quả quan trọng. Năm 2018, các chỉ tiêu về diện tích rừng trồng, độ che phủ rừng, sản lượng gỗ khai thác, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đều đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có sự đóng góp quan trọng của tỉnh Bình Định. Đó cũng là lý do Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình 886 chọn Bình Định để tổ chức sự kiện quan trọng này.
Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao kết quả của Chương trình 886 tại Bình Định và sự nỗ lực của các DN xuất khẩu gỗ và lâm sản của tỉnh nói chung.
Bình Định là tỉnh đi đầu trong cả nước về xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, khi đã giao khoán gần 122 ngàn ha rừng cho người dân bảo vệ và chăm sóc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho rằng, khi người dân trở thành chủ rừng, họ tích cực bảo vệ, nên đã hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Bình Định cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển rừng trồng và rừng gỗ lớn. Hàng năm có 8.500 ha rừng sản xuất tập trung được trồng và chăm sóc, trong đó đến nay đã có 1.057 ha rừng trồng gỗ lớn.
Các DN hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng gỗ xuất khẩu cũng có nhiều nỗ lực đầu tư phát triển, nâng cao giá trị gia tăng. Điển hình như Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (TP Quy Nhơn) đã khai thác được nguồn nguyên liệu gỗ tại chỗ, cộng với những thay đổi trong phát triển sản xuất, giúp DN này đạt doanh thu trên 40 triệu USD/năm.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt cho hay: Khai thác nguyên liệu gỗ tại chỗ, hạn chế nhập khẩu gỗ đã giúp chúng tôi hạn chế được chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi đã tái cấu trúc tổ chức, đầu tư máy móc hiện đại, đa dạng hóa mẫu mã, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế đa phương, vấn đề kết hợp phát triển thị trường nội địa và thị trường thế giới được nhiều quốc gia hết sức chú trọng, mà việc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2018 là một điển hình. Trước bối cảnh mới, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng chỉ đạo: Các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương và DN xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, tham gia diễn đàn thương mại về gỗ, triển khai nhanh việc phê duyệt Hiệp định thương mại đồ gỗ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; hỗ trợ DN và Hiệp hội gỗ và lâm sản về thông tin thị trường, các quy định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia. Mặt khác, nâng cao năng lực cho DN để thực hiện các chuỗi cung ứng; tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì sẽ chuyên môn hóa cao, có điều kiện đổi mới công nghệ quản trị, nâng cao năng suất và cạnh tranh…
Bảo vệ để phát triển rừng bền vững
Theo Ban chỉ đạo Chương trình 886, Hiệp định CPTPP mở ra cơ hội lớn cho ngành gỗ nước ta nhưng đó cũng là thách thức lớn. Để được hưởng chính sách ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, cần phải thay đổi tư duy trong công tác phát triển vùng nguyên liệu gỗ, đồng thời các DN ngành gỗ phải chủ động về nhiều mặt. Trong vấn đề này, Bình Định là một trong những địa phương làm rất tốt.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu báo cáo: Ở Bình Định, xu hướng quản lý, phát triển rừng bền vững, thân thiện với môi trường đã được các chủ rừng rất quan tâm. Ngoài 10.115 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, hiện có 29.353 ha rừng trồng của 3 công ty lâm nghiệp: Hà Thanh, Quy Nhơn, Sông Kôn đã được ngành Nông nghiệp phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Các DN nói trên cũng đang thực hiện các bước tiếp theo để được cấp chứng chỉ FSC. Nhờ vậy đã nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh lên 54%, hạn chế tình trạng xói mòn đất và các tác động do biến đổi khí hậu.
Từ những tín hiệu tích cực ở các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Các bộ, ngành, chính quyền địa phương và DN cần phải xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển phù hợp, phấn đấu đạt và vượt giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ và lâm sản 11 tỉ USD trong năm 2019. Để đạt được mục tiêu này, trước tiên cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng; chú trọng phát triển rừng sản xuất, rừng gỗ lớn và giao rừng, cho thuê rừng để người dân và DN quản lý. Thúc đẩy các hình thức kinh tế hợp tác, liên doanh liên kết sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, các nông, lâm trường lâm nghiệp, để nâng cao năng lực quản lý phát triển rừng. Các DN hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành hàng gỗ cũng cần phải đổi mới, tái cấu trúc tổ chức, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh.
TIẾN SỸ - NGỌC NHUẬN