Tìm giải pháp hạn chế án hình sự bị hủy, trả
Tại Hội thảo chuyên đề “Hạn chế án hình sự bị hủy để điều tra, xét xử lại hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến trách nhiệm của kiểm sát viên” do Viện KSND tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu đã nêu ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Một phiên tòa có các bên tham gia xét hỏi, tranh tụng.
Xác định nguyên nhân
Trong 3 năm 2016 - 2018, tỉ lệ án hình sự bị hủy, trả hồ sơ để điều tra bổ sung chiếm tỉ lệ thấp (dưới 3%). Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp thì công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của viện kiểm sát vẫn còn hạn chế, thiếu sót, dẫn đến nhiều vụ án phải trả hồ sơ để điểu tra bổ sung.
Từ năm 2016 đến 2018, viện KSND 2 cấp trong tỉnh đã trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung 19 vụ trong tổng số 1.781 vụ cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố (chiếm 1,06%). TAND 2 cấp của tỉnh đã trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung 52 vụ trong tổng số 1.745 vụ viện kiểm sát đã truy tố (2,97%). Ðồng thời, TAND tỉnh đã hủy 16 vụ/64 bị cáo trong tổng số 435 vụ/743 bị cáo đã đưa ra xét xử (chiếm 4,36% số vụ/8,6% bị cáo).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra vụ án chưa làm hết trách nhiệm được giao. Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng phòng thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng (Viện KSND tỉnh), thẳng thắn: “Các vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung thường có nhiều tình tiết phức tạp; nhiều bị can, lời khai không thống nhất; bị can, bị cáo cố tình không nhận tội, thông cung; trong đó, cũng có vụ đến khi mở phiên tòa xét xử thì phát sinh tình tiết mới do kiểm sát viên chưa làm hết trách nhiệm kiểm sát. Mặt khác, một số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa cụ thể dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều quan điểm trái chiều về việc đánh giá”.
Đồng quan điểm, thượng tá Nguyễn Văn Sử, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (CA tỉnh), nhìn nhận: “Bên cạnh tội phạm diễn biến phức tạp với quy mô, tính chất ngày một tinh vi, cũng phải thừa nhận rằng năng lực, trình độ của điều tra viên còn hạn chế, có vụ chưa làm hết trách nhiệm. Bên cạnh đó, kiểm sát viên, thẩm phán được phân công theo dõi vụ án chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ; chậm khắc phục một số thiếu sót nhỏ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nhất là việc đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đôi lúc chưa cùng quan điểm nhưng lại không bàn bạc”.
Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thanh Trà cũng chỉ rõ: “Các vụ án hủy là do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, chứng cứ chưa được điều tra khách quan, đầy đủ từ giai đoạn điều tra và đến khi xét xử vẫn không được khắc phục. Vì vậy, để có căn cứ truy tố đúng người, đúng tội, chúng tôi phải trả hồ sơ nhằm làm rõ các tình tiết, tránh oan sai, lọt tội”.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm kiểm sát viên
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế án hình sự bị hủy để điều tra, xét xử lại hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến trách nhiệm của kiểm sát viên. Trong đó, các ý kiến chủ yếu tập trung vào nhóm các giải pháp kiểm sát tốt các công việc, như: Giải quyết tin báo tội phạm; khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; kiểm sát thủ tục tố tụng và hoạt động điều tra đối với người tham gia tố tụng; kiểm sát quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra và điều tra viên cũng như việc hỏi cung bị can, lấy lời khai của những người tham gia tố tụng khác.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang nói: “Giải pháp chính vẫn là tiếp tục nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, trách nhiệm, bản lĩnh của kiểm sát viên. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Có như vậy, những thiếu sót sẽ kịp thời được khắc phục, việc trả, hủy án không còn”.
Là đơn vị chưa để xảy ra tình trạng án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đại diện Viện KSND TX An Nhơn đã chia sẻ một số kinh nghiệm. Đó là, lãnh đạo đơn vị thường xuyên sâu sát công việc và kiểm tra đôn đốc hoạt động kiểm sát điều tra án hình sự; yêu cầu kiểm sát viên phải chủ động tham gia, phối hợp cùng điều tra viên khi tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định; trước khi kết thúc điều tra ít nhất 10 ngày, phối hợp cùng điều tra viên đánh giá chứng cứ, tài liệu thu thập, chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, dự kiến các tình huống tranh tụng, chứng cứ đưa ra tại tòa phải chắc và thuyết phục để bảo vệ quan điểm truy tố.
K.ANH