Hoạt động khuyến công: “Bà đỡ” của cơ sở công nghiệp nông thôn
Thời gian qua, công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã là “bà đỡ” cho hàng trăm cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh vượt khó vươn lên và đạt được kết quả tích cực.
Nhờ được Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh hỗ trợ, hoạt động của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tâm Phú ngày càng phát triển và đạt được kết quả khả quan.
- Trong ảnh: Một góc dây chuyền làm mộng âm của Công ty Tâm Phú.
Cho đến bây giờ ông Phạm Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tâm Phú (ở Cụm công nghiệp Canh Vinh, huyện Vân Canh) vẫn chưa quên những ngày tháng gian khó… Là cơ sở hoạt động ở địa bàn miền núi, thời gian đầu Công ty gặp không ít khó khăn. Tháng 5.2017, Tâm Phú may mắn được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) tỉnh chọn tham gia Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ nội, ngoại thất”. Công ty đã đầu tư gần 776 triệu đồng để mua sắm, lắp đặt mới cụm 2 máy làm mộng âm để sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất với công suất 1.800m3 gỗ tinh/năm. Trong đó, Công ty được Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh hỗ trợ 160 triệu đồng.
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trường hợp của Công ty Tâm Phú chỉ là một trong rất nhiều DN được hưởng lợi từ khuyến công. Tính trong khoảng 5 năm trở lại đây (2014 - 2018), trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 114 chương trình đề án khuyến công, với tổng vốn đầu tư thực hiện trên 133,3 tỉ đồng; tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ là gần 19 tỉ đồng. Trong đó, số cơ sở công nghiệp nông thôn sử dụng nguyên liệu tại chỗ ở địa phương chiếm hơn 75%; doanh thu đạt 815 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với trước khi được có khuyến công hỗ trợ; tạo việc làm cho hơn 2.600 lao động nông thôn, tăng 2,7 lần so với trước đó...
Mới đây, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tiến hành kiểm tra, khảo sát tình hình hoạt động KC&TVPTCN tại Bình Định. Theo ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bình Định là tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác KC&TVPTCN với nhiều cách thức năng động, sáng tạo. Chính vì vậy, Cục quyết định chọn Bình Định thực hiện Đề án Khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020.
Dù đạt được kết quả ấn tượng, song hoạt động KC&TVPTCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch KC hàng năm của các địa phương còn bị động, thành phần hồ sơ đăng ký chưa đảm bảo theo quy định; chưa xây dựng được đề án KC điểm để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; quy mô của một số đề án KC còn nhỏ, chưa đa dạng, chưa có nhiều đề án KC có sức lan tỏa lớn, có vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin; chất lượng, hiệu quả một số đề án KC còn thấp, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra...
Để khắc phục hạn chế, ông Võ Mai Hưng cho biết, Sở Công Thương đã đề ra định hướng trong năm 2019 là đầu tư có chọn lọc nhằm nâng cao hiệu quả, chú trọng những địa phương trọng điểm, ngành nghề ưu tiên, nhiều tiềm năng về lao động có trình độ, nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm; xây dựng các đề án, chương trình lớn thực hiện trong nhiều năm, chia nhiều giai đoạn, nhằm tạo điều kiện tập trung nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn sớm hình thành và phát triển…
HIỀN VIẾT