Xã Canh Hòa: Ðầu tư giao thông phát triển kinh tế
Canh Hòa (huyện Vân Canh) là xã miền núi, có tiềm năng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, nhưng trong nhiều năm đời sống của người dân không cải thiện được, bởi đường vào các khu đất sản xuất rất khó khăn.
Việc mở đường từ làng Canh Phước đến khu sản xuất suối Cau và suối Ké đã giúp bà con khai thác nông, lâm sản thuận lợi hơn.
Ông Đoàn Văn Kim, Phó Bí thư Đảng ủy xã Canh Hòa, cho biết: Xã phát triển trồng rừng nhưng một số nơi đường đi rất khó, nên việc vận chuyển cây giống, phân bón của bà con vô cùng vất vả. Chúng tôi nhận thấy, để thuận lợi trong việc sản xuất, cần mở nhiều tuyến đường lâm sinh, tạo điều kiện cho bà con nông dân khai thác hết tiềm năng đất đai; đưa các giống cây trồng mới vào thâm canh sản xuất, tạo vùng chuyên canh hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Từ năm 2015 đến nay, xã Canh Hòa đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư gần 4 tỉ đồng mở 4 tuyến đường vào khu sản xuất ở các làng Canh Phước và Canh Lãnh. Tại làng Canh Phước đã có một con đường dài 7 km từ cuối làng đến giáp huyện Đồng Xuân (Phú Yên), chạy qua khu sản xuất suối Cau và suối Ké. Bà con trong làng rất phấn khởi, gọi đây là “con đường kinh tế”, bởi khi con đường được hình thành cũng là lúc kinh tế của bà con trong làng phát triển. Chị Nguyễn Thị Thạnh cho biết: “Nhờ có đường mà nhiều gia đình trong làng có thêm nguồn thu nhập lớn từ cây keo”.
Trước kia chưa có đường, diện tích đất sản xuất ở 2 khu này chỉ có hơn 100 ha, chủ yếu là trồng cây keo. Từ khi có đường, bà con mở rộng diện tích đất sản xuất lên 400 ha; những khu đất tốt được bà con chuyển sang trồng mì, với khoảng 200 ha. Ông Mang Hùng, Trưởng làng Canh Phước, vui mừng chia sẻ: “Thu nhập từ cây mì, cây keo tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Khi chưa có đường, 1 ha keo bán chỉ thu được 20 triệu đồng, còn bây giờ bà con bán được 50 - 70 triệu đồng, nhiều hộ tự khai thác bán cho nhà máy còn có thu nhập cao hơn”.
Các tuyến giao thông kết nối các khu vực sản xuất ở xã Canh Hòa được đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, giảm sức lao động cho người nông dân, thuận lợi vận chuyển nông - lâm sản đi tiêu thụ, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác. Đây cũng là giải pháp để Canh Hòa - một xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn - đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới về cơ sở hạ tầng và thu nhập bình quân đầu người.
HẠNH PHÚC