Tây Sơn vươn tầm thị xã
Theo lộ trình đưa Tây Sơn vươn tầm thị xã, những năm qua UBND huyện Tây Sơn đã tập trung mọi nguồn lực nhằm quy hoạch tổng thể, xây dựng, phát triển vùng đất trung du này. Một đô thị mới đang nên dáng, nên hình.
Năm 2015, thị trấn Phú Phong được công nhận đô thị loại IV trực thuộc huyện. Năm 2016, Huyện ủy Tây Sơn đề ra chương trình hành động “Xây dựng đô thị Phú Phong theo hướng văn minh, hiện đại, trung tâm phát triển, sớm đưa Tây Sơn vươn tầm thị xã”. Đến nay dáng dấp của một thị xã mới đang hiện lên bên dòng sông Côn.
Toàn cảnh thị trấn Phú Phong hôm nay – đô thị trẻ Phú Phong trong tương lai. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Điểm nhấn Phú Phong
Có thể nói, diện mạo đô thị mới của Phú Phong đã khá rõ nét.Từ khu trung tâm hành chính của thị trấn huyện lỵ đi về phía nam là những tuyến phố trải dài ven bờ sông Côn với những ngôi nhà mới khang trang, khu tổ hợp gồm nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí như công viên nước, khu dịch vụ cộng đồng. Những công trình mới kết hợp với những công trình hiện hữu như công viên trung tâm, BVĐK Phú Phong, khu trung tâm thương mại… từng bước đưa Phú Phong trở thành đô thị trẻ, năng động.
“Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về “xây dựng đô thị Phú Phong theo hướng văn minh, hiện đại là trung tâm phát triển, sớm đưa Tây Sơn trở thành thị xã” bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị từng bước được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh theo hướng văn minh, hiện đại; công tác văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển tích cực, chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt; hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo kịp thời từ các cấp chính quyền địa phương phải kể đến sự đồng lòng, chung sức của nhân dân”.
Đồng chí HUỲNH THANH XUÂN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn
Ông Nguyễn Thanh Diên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong, cho biết: Thị trấn được quy hoạch mở rộng về phía Nam với việc xây dựng nhiều khu dân cư mới: khu dân cư dịch vụ bờ nam sông Côn, khu dân cư mới ngã 3 QL19 - đường Nguyễn Huệ, khu đô thị phía Nam QL19, hình thành nên những tuyến phố thương mại - dịch vụ sầm uất. Quy mô dân số tăng lên từ 20.000 - 25.000 người, tỉ lệ đô thị hóa tăng lên khoảng 30%; sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ.
Gần 15 năm sáp nhập về thị trấn, đến hôm nay khối Phú Xuân hoàn toàn thay da, đổi thịt; thay vào làng xóm thuần nông ngày trước là khối phố thương mại - dịch vụ ven bờ nam sông Côn. Ông Khổng Xuân Đài, Khối trưởng khối Phú Xuân (thị trấn Phú Phong) phấn khởi: Hiện toàn khối có 1.020 hộ dân. Không chỉ tôi mà chắc chắn hộ nào cũng sẽ xác nhận rằng, chỉ trong hơn 2 năm qua thôi, mọi thứ đã đổi thay nhanh không tưởng!
Quả vậy, thị trấn Phú Phong chính là cái lõi trung tâm của phát triển nhằm đưa Tây Sơn sớm vươn tầm thị xã. Những năm qua, từ nguồn vốn các cấp, huyện đã tập trung đầu tư cho Phú Phong từ việc mở rộng các khu dân cư mới; mở rộng các tuyến đường nội thị như Võ Xán, Nguyễn Huệ; trồng mới 1.000 cây xanh khắp các tuyến phố; lắp đặt hệ thống đèn led, đèn chiếu sáng trên nhiều cung đường.
Ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, tâm sự: Người dân có thể từ trồng rau sạch hợp chuẩn VietGAP mà làm du lịch nhà vườn thành công, nên nếu không phát huy tốt các tài nguyên như thắng cảnh Hầm Hô, đền thờ anh hùng Mai Xuân Thưởng… thì chúng tôi có lỗi với nhân dân, chứ chưa nói đến 2 di tích thuộc hạng hấp dẫn nhất tỉnh - Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn và tháp Dương Long!
Thị xã bên dòng sông Côn
Tây Sơn là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch thuộc nhóm dẫn đầu ở Bình Định. Đó là cơ sở để UBND huyện mời gọi đầu tư, ưu tiên cho các DN đầu tư vào các hạng mục dịch vụ - du lịch. UBND huyện Tây Sơn cũng sớm thực hiện quy hoạch phát triển du lịch huyện. Theo đó, huyện quy hoạch dọc tuyến từ Bảo tàng Quang Trung - Khu du lịch sinh thái Hầm Hô - Đài Kính Thiên - Thác Đổ Vĩnh An thành một khu du lịch sinh thái rộng hơn 300 ha, kết hợp phát triển kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái. Đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư & xây dựng huyện đã hoàn thiện quy hoạch chung 1/2000 và tiến tới lập quy hoạch chi tiết 1/500, kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, huyện cũng quy hoạch, phát triển kinh tế đồng bộ cho các xã vệ tinh gắn với xây dựng nông thôn mới. Về phía cánh nam là các xã Tây Thuận, Tây Giang, Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Nghi; về phía cánh bắc là Bình Thành, Bình Hòa, Tây Bình.
Đi về các xã, đường làng ngõ xóm đã sạch đẹp hơn; đường bê tông nối liền các xã, thôn; hệ thống đèn chiếu sáng đường làng đầy đủ; đời sống người dân cải thiện. Anh Nguyễn Sang, một người dân thôn Phú An (xã Tây Xuân), hồ hởi nói: Nông thôn mới làm đổi thay bộ mặt nông thôn, chúng tôi phấn khởi với sự thay đổi của quê hương hôm nay. Sẽ còn vui hơn khi mai đây huyện Tây Sơn trở thành thị xã, rồi xã Tây Xuân chúng tôi sẽ thành phường nội thị.
Trò chuyện với tôi, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn vui vẻ cho biết: Chỉ tính riêng ở lĩnh vực du lịch - ngành kinh tế mà Tây Sơn chọn phát triển, xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tư nguồn lực cho dịch vụ - du lịch đang được quan tâm và có nhiều thay đổi tích cực. Với 20 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia là Điện thờ Tây Sơn tam kiệt, cụm tháp Chăm Dương Long, cùng nhiều danh thắng hấp dẫn khu du lịch. Trên địa bàn huyện hiện có 10 khách sạn, 18 nhà nghỉ với tổng 400 phòng; trên 50 nhà hàng phục vụ du lịch. Hằng năm, Tây Sơn đón trên 150 ngàn lượt du khách, riêng năm 2018 vừa qua có hơn 295 ngàn lượt khách tới tham quan, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2017. Dáng dấp của một đô thị mới hiện đại, văn minh đang hình thành trên đất Tây Sơn. Tôi tin chắc chúng tôi sẽ sớm thực hiện thành công chương trình hành động “Xây dựng đô thị Phú Phong theo hướng văn minh, hiện đại, trung tâm phát triển, sớm đưa Tây Sơn vươn tầm thị xã” mà Huyện ủy đề ra.
THU DỊU