KỶ NIỆM 44 NĂM GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH ÐỊNH (31.3.1975 - 31.3.2019)
Những ngày tháng Ba lịch sử
44 năm trôi qua nhưng những ngày của tháng 3.1975 lịch sử không thể nào quên đối với người dân Bình Ðịnh, nhất là với những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng quê hương.
Cứ đến ngày thành lập đơn vị và kỷ niệm giải phóng tỉnh Bình Định, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 93 tổ chức gặp mặt để ôn lại một thời hào hùng.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Trọng Thể (88 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) - nguyên Phó Chính ủy, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 93 được thành lập vào ngày 25.3.1975, tại thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), tham gia giải phóng vùng Đông Bắc của huyện Tuy Phước và TX Quy Nhơn. Dù tuổi đã cao nhưng ông Thể vẫn còn minh mẫn. Sau một hồi xâu chuỗi lại sự kiện, ông bắt đầu kể rành mạch: Khi thành lập biên chế, Trung đoàn 93 gồm các đơn vị: Tiểu đoàn bộ binh 50, Tiểu đoàn bộ binh 52, Tiểu đoàn bộ binh 8 và được tăng cường thêm Tiểu đoàn pháo binh 73 cùng một đại đội bộ binh của huyện Phù Cát. Trưa 31.3.1975, Trung đoàn được lệnh xuất kích và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Tỉnh đội, Thị đội và du kích các xã vùng ven tấn công vào TX Quy Nhơn. Tiểu đoàn 52 đánh chiếm ngã ba chợ Dinh, cắt đứt đường 19, chiếm kho đạn Đèo Son, nhà ga, nhà đèn, bến xe. Tiểu đoàn 8 đánh chiếm cảng Quy Nhơn, khu kho quân sự và cùng với Đại đội Đặc công nước 598 đánh chiếm Khu quân sự hải quân địch ở Hải Minh; Tiểu đoàn pháo binh 73 chiếm giữ trận địa pháo 105 và 155 ly của địch ở núi Một, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng yểm hộ cho bộ binh.
Ông Lê Văn Hương (69 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn), nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 50 (Trung đoàn 93), nhớ lại: Thời điểm đó, Tiểu đoàn 50 phối hợp với biệt động thành đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch như Đài Phát thanh, Tòa thị chính, Nha Cảnh sát, sân bay…; rồi cùng Đại đội bộ binh 2 Phù Cát và các đơn vị đặc công của tỉnh đánh chiếm căn cứ quân sự khu 6, Khu huấn luyện nhân dân tự vệ, cứ điểm đồi Ghềnh Ráng, khu ra-đa núi Vũng Chua. Đến đêm 31.3.1975, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 50 đã cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên Dinh tỉnh trưởng.
Còn ông Ngô Hồng Khánh (78 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 92, cho biết: “Chiều 24.3.1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định họp quyết định: “Đẩy mạnh 3 quả đấm, phát động cao trào tiến công, nổi dậy đồng loạt giải phóng nông thôn, đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa thị xã, đánh đổ toàn bộ quân địch, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng toàn tỉnh”. Khẩu hiệu hành động: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. “Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch”. Cùng thời điểm này, Trung đoàn 92 được thành lập tham gia giải phóng Hoài Nhơn, Phù Mỹ và một phần của huyện Phù Cát. Biên chế của Trung đoàn 92 gồm các đơn vị: Tiểu đoàn 53 (Hoài Nhơn), Tiểu đoàn 55 (Phù Mỹ) và Tiểu đoàn 75 (Hoài Ân). Thực hiện quyết tâm chiến lược của Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 25.3.1975, các lực lượng vũ trang và 30.000 quần chúng Hoài Nhơn rầm rộ ra quân, dồn dập tiến công, bao vây 65 chốt địch, chỉ trong 1 ngày đã diệt, bức rút, bức rã 38 chốt. Ngày 26.3.1975, trong khi ở phía nam, Tiểu đoàn 53 và quân dân các xã bức địch chạy khỏi Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Thanh… thì phía bắc hơn 20.000 quần chúng và các lực lượng vũ trang bức địch rút khỏi Hoài Châu, Hoài Hảo, dồn vào chi khu quân sự Tam Quan rồi phải tháo chạy. Ngày 27.3.1975, quân dân Hoài Nhơn bao vây công kích mãnh liệt căn cứ Đệ Đức và chi khu quận lỵ Bồng Sơn. Sáng 28.3.1975, toàn bộ quân địch tháo chạy vào Phù Mỹ. Quận lỵ Bồng Sơn được giải phóng vào lúc 10 giờ ngày 28.3.1975.
Theo ông Nguyễn Văn Minh (68 tuổi, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), nguyên Chính trị viên phó Huyện đội Phù Mỹ (giai đoạn 1974 - 1976), từ ngày 25 đến 26.3.1975, Tiểu đoàn 55 cùng quân dân Phù Mỹ đồng loạt tiến công và nổi dậy tiêu diệt, bức hàng, bức rã gần 40 chốt điểm địch. Tiểu đoàn 75 ở Hoài Ân xuống, nổ súng mãnh liệt vào các chốt địch từ núi Nùng ra nam Đèo Nhông. Cùng thời gian, bộ đội huyện và du kích Mỹ Hiệp, Mỹ Tài, Mỹ Quang đánh các chốt nam quận lỵ. Từ 28 đến 30.3.1975, Trung đoàn 92 và quân dân Phù Mỹ không những tiêu diệt, làm tan rã lớn bọn địch từ Hoài Nhơn chạy vào, mà còn quét sạch các chốt điểm, căn cứ địch ở quận lỵ Phù Mỹ. Sáng 30.3.1975, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay ở quận lỵ Phù Mỹ.
“Trong thời khắc lịch sử, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã kịp thời cho thành lập Trung đoàn 92 và Trung đoàn 93 nên lực lượng đủ mạnh để phối hợp tiến công lần lượt giải phóng Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn và giải phóng toàn tỉnh ngày 31.3.1975”, ông Minh cho hay.
NGUYỄN PHÚC