Hoài Ân, một diện mạo mới
Trong 2 năm qua, UBND huyện Hoài Ân nỗ lực triển khai nhiều dự án xây dựng chỉnh trang đô thị, công trình nông thôn mới. Những con đường thẳng tắp, rộng mở từ thị trấn đến xã, thôn. Ðời sống người dân thoải mái cả về vật chất lẫn tinh thần. Vùng đất anh hùng năm xưa nay sáng tươi thấy rõ.
Trục đường chính ở trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Chúng tôi về Hoài Ân vào một ngày cuối tháng 3. Những cánh đồng lúa nặng trĩu hạt vàng ươm cả vùng quê. Các con đường từ huyện dẫn về từng thôn xóm được mở rộng, khang trang. Nhiều hộ dân tự trồng hoa trang trí quanh nhà, dọc những đường thôn uốn lượn khiến cho bức tranh quê thêm phần tươi đẹp.
Ghé thăm nhà anh Nguyễn Tấn Trung (thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây) tôi không thể không săm soi vườn bưởi 300 gốc nặng trĩu trái. Mỗi vụ bưởi, gia đình anh Trung trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Chị Phạm Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, kể: “Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020 ” của huyện, nhiều hộ dân ở xã đã chặt bỏ vườn đào, keo sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là bưởi với mức thu nhập cao. Nhiều hộ có diện tích trồng bưởi lớn như các ông Hàn Văn Thanh (10 ha), Bùi Văn Lại (5 ha), Dương Văn Thoại (5 ha)... UBND xã đã mua 800 cây bưởi da xanh cấp cho 24 hộ khó khăn nhằm cải tạo vườn tạp. Ngoài chăn nuôi, UBND xã đang phát huy thế mạnh trồng cây ăn quả tập trung để phát triển kinh tế”.
Không chỉ có bưởi - 240 ha trồng tập trung và khoảng 70 ha trồng rải rác, Hoài Ân còn phát triển cây bơ có khoảng 120 ha, dừa xiêm - trên 500 ha. Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nhấn mạnh: “UBND huyện tiến hành đăng ký nhãn hiệu Bưởi Hoài Ân, trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng điểm trung chuyển mua bán động vật... là cơ sở để tạo nền tảng vững chắc cho tiêu thụ nông sản của huyện”.
Dân Hoài Ân ngày càng khấm khá, thậm chí giàu lên thấy rõ. Và huyện không quên bước đột phá - chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo diện mạo, tầm vóc mới. Trong năm 2018, hơn 89 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách của huyện gần 48 tỉ đồng) được chi ra để thực hiện 27 công trình, như: nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT 630 đi trung tâm xã ĐakMang (trên 14 tỉ đồng); mở rộng tuyến đường từ cầu Mỹ Thành đi đập Lại Giang (gần 15 tỉ đồng); hệ thống hồ chứa nước Hội Long (trên 12 tỉ đồng)... Ngoài ra, hệ thống lưới điện - đường giao thông nông thôn - trường học - trạm y tế và trụ sở thôn cũng ngày càng hoàn chỉnh.
Công tác quản lý đô thị được UBND huyện triển khai quyết liệt và huy động cả cộng đồng cùng tham gia, qua đó làm cho bộ mặt của toàn huyện ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Đặc biệt, để tạo điểm nhấn, UBND huyện đầu tư tôn tạo Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Khu Di tích lịch sử Núi Chéo, Di tích Dốc Bà Bơi - nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng, Tượng đài Chiến thắng Gò Loi, Tượng đài chí sĩ Tăng Bạt Hổ; trong đó xây dựng mới nhà khánh tiết Chi bộ Vạn Đức gần 1 tỉ đồng.
UBND huyện đang hướng tới mục tiêu từng bước xây dựng đô thị hoàn chỉnh, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế huyện, góp phần giữ vững chính trị, quốc phòng - an ninh, đảm bảo từng bước nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân vùng trung du.
HẢI YẾN