Cất cao tiếng ca giải phóng & dựng xây quê hương
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, chặng đường 10 năm (1965 - 1975) là chặng đầy thử thách và nhiều vinh quang khi được góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng và dựng xây quê hương.
Một cảnh trong vở Ba cha con của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Ảnh tư liệu
Trong chiến tranh, dù đối diện thường xuyên với những hiểm nguy, mất mát, hy sinh, nhưng các thế hệ Đoàn Văn công giải phóng tỉnh đã có nhiều vở diễn tiêu biểu góp phần hiệu quả phục vụ cách mạng, như: Súng Mỹ - Lòng ta (1964), Sóng gầm Phước Lý (1965), Chỉ một con đường (1966), Ba cha con (1972)... Sinh thời, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình Đinh Bá Lộc kể: Lúc biểu diễn ở hang đá núi Bà, các đồng chí cơ sở ở Quy Nhơn đến xem, họ chăm chú lắng nghe như đón nhận những liều thuốc bổ tinh thần.Từ giác ngộ biến thành hành động, họ góp phần phát triển phong trào cách mạng ở Quy Nhơn. Bọn địch nghe đoàn biểu diễn ở đâu là chặn đánh dọc đường về hoặc tập trung bao vây tiêu diệt, như ở núi Hoài Mỹ năm 1970... bởi bọn chúng sợ các vở kịch, các bài hát làm thức tỉnh lương tâm binh sĩ, góp phần làm tan rã hàng ngũ địch.
47 năm trước, chàng thanh niên Trần Văn Tới là diễn viên trẻ của Đoàn Văn công giải phóng. Nay ở tuổi thất thập, ông Tới vẫn nhớ như in về nhiều tiết mục bài chòi để đời như: Hạt muối Bác Hồ, Đường ra mặt trận, Đường ra phía trước... hay độc tấu bài chòi Nhớ Di chúc Bác, Bình An uất hận... Ngày ấy Đoàn Văn công giải phóng đi biểu diễn ở đâu cũng được người dân đón nhận hưởng ứng mạnh mẽ, đồng thời góp phần cảm hóa quân địch.
Cũng trưởng thành từ Đoàn Văn công giải phóng, ông Nguyễn An Pha - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, luôn nhớ những đồng chí, những người bạn ngày ấy, nhất là những người đã ra đi mãi mãi. Ông Pha kể: Năm 1968, địch đánh ác liệt, chúng vây ráp đoàn chúng tôi trong nhiều ngày, nên ban ngày mọi người phải nằm hầm bí mật, tối diễn và hành quân xa liên tục. Một ngày tháng 5 năm 1968, đoàn bị địch vây chặt tại Tam Quan Nam, gần đến tối mới rút đi. Khi lên công sự thì anh Phan Văn Minh (quê xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn) bị ngất phải cấp cứu vì bệnh đau dạ dày trước đó trở nặng nhưng anh vẫn cố gắng hoàn thành vai diễn của mình. Diễn xong tại Tam Quan Nam thì đoàn phải lập tức hành quân để đánh lạc hướng địch, anh Minh đã hi sinh ngay trong đêm ấy tại xã Hoài Thanh.
Liên tục từ năm 1972 - 1975, Đoàn Văn công giải phóng tỉnh vừa tham gia biểu diễn vừa gắn với vùng căn cứ ở Cát Sơn (Phù Cát), Ân Nghĩa (Hoài Ân) để củng cố lực lượng. Đến tháng 2.1975, Đoàn giao lại toàn bộ cơ sở vật chất cho địa phương để theo các đoàn quân tiến xuống đồng bằng tiếp quản Quy Nhơn. Thực sự trưởng thành qua những năm tháng chiến tranh, Đoàn sẵn sàng tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ chính trị mới khi đất nước đã thống nhất...
HOÀI THU