Song hành thân thiện
Ngày 2.4 tới là Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ. Các tài liệu khoa học về tự kỷ có thể đã xuất hiện nhiều trên sách báo, internet. Song, có lẽ vẫn chưa đủ để khắc họa về chân dung của những gia đình có trẻ tự kỷ. Nếu cầm trên tay cuốn “Đánh thức ban mai” của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà, bạn có dịp chia sẻ, đồng cảm với các bậc cha mẹ có con tự kỷ.
“Đánh thức ban mai” gồm hai nội dung chính: những câu chuyện kể về cách các ông bố bà mẹ vượt qua thời gian khủng hoảng khi đón nhận tin con họ mắc chứng tự kỷ; những lời khuyên của các chuyên gia dành cho những gia đình rơi vào hoàn cảnh này. Tác giả tự nhận “không có dự định gì lớn lao, tôi chỉ làm nhiệm vụ của một người kể chuyện cuộc sống”.
Lần đầu tiên đọc “Đánh thức ban mai”, tôi bị ấn tượng bởi lời thủ thỉ kể của những người trong cuộc. Ở đó có nước mắt, có những đêm không ngủ, có cả tuyệt vọng. Song, ở đó cũng có cả những hy vọng, lạc quan diệu kỳ, những nụ cười từ những điều rất nhỏ nhưng là thành quả của cả một quá trình cố gắng, kiên nhẫn, yêu thương.
“... Tôi không có quyền năng để tống khứ căn bệnh tự kỷ ra khỏi con tôi, tôi lại không phải là Chúa trời để cho mình cái quyền bất tử sống đời ở kiếp cùng con. Nhưng tôi có quyền sống hòa thuận với nó để ủi an và cải biến, để nó hiền hòa và thân thiện nhất với con tôi, những góc cạnh đớn đau của nó sẽ mềm mại, êm ái hơn. Để khi tôi buông tay, con sẽ không gặp quá nhiều khó khăn, tự kỷ và con sẽ song hành thân thiện” (Trích “Đánh thức ban mai”).
Tôi không chắc thế giới quanh bạn có đứa trẻ tự kỷ nào hay không. Song, với trái tim phụ nữ, tôi tin: một lần lần giở những trang sách của “Đánh thức ban mai”, lòng bạn thêm rộng mở, tự hào về tình yêu thương vô điều kiện. Còn nếu, mầm non nhà bạn là một đứa trẻ tự kỷ hoặc khiếm khuyết, “Đánh thức ban mai” nhắn gửi: khi bạn chấp nhận đối mặt, hiểu và đồng hành cùng con đúng cách, niềm vui, “ban mai” vẫn sẽ đâu đó, đợi bạn “đánh thức”.
AN PHƯƠNG