Hy vọng từ chương trình “Khát vọng sống”
Lần thứ hai đến Bình Ðịnh, thông qua kết nối của Hội Người mù tỉnh, chương trình truyền hình nhân đạo “Khát vọng sống” đến với gia đình anh Nguyễn Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Thúy Loan (ở thôn Giang Bắc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Nước mắt đã rơi nhưng hy vọng, mơ ước đã được thắp lên trong ngôi nhà nhỏ.
Nhà anh Dũng, chị Loan nằm trong một xóm nhỏ ở giữa cánh đồng. Mùa này, gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Dưới tán cây duối lâu năm đang trổ hoa trước hiên nhà, hàng chục người nhiệt thành đến từ trong và ngoài tỉnh đã tề tựu. Họ cùng góp tấm lòng của mình để vực dậy khát vọng sống của một gia đình nghèo nhưng giàu yêu thương.
Một nhà hảo tâm trao khoản giúp đỡ và động viên gia đình anh Dũng.
Cơ cực
Ở tuổi 42, sau 19 năm chung sống, cả anh Dũng và chị Loan luôn trong cảnh khó khăn, chắp vá. Con gái đầu Nguyễn Thị Thanh Ngân (18 tuổi) bị bại não, khiếm thị, nằm liệt một chỗ. Con gái thứ hai sinh sau Ngân vài phút qua đời từ khi còn rất nhỏ. Như bù sớt cho hai vợ chồng, đứa con trai Nguyễn Ngọc Thạch (10 tuổi) khỏe mạnh, hiểu chuyện và rất thương cha mẹ.
Nhưng, sau khi sinh Thạch, chị Loan đột nhiên bị teo cơ tứ chi. 5 năm trở lại đây, chị đi đứng khó khăn, không thể lao động. Anh Dũng từng là một thợ hồ, vì dị ứng xi măng, cộng với chứng thần kinh nhẹ, hay xây xẩm, choáng váng, đành bỏ nghề. Được bà con, xóm làng thương, anh làm thuê, làm mướn mưu sinh nuôi gia đình. Lúc thì đi vác lúa, lúc thì nhận chặt tre, bơm thuốc... với tiền công vài chục đến 100 ngàn đồng cho mỗi lần.
Gia tài của anh chị chỉ vỏn vẹn căn nhà nhỏ, được tô, quét vôi phía trước; còn lại, tường gạch bên trong đã úa màu. Gian bếp được dựng tạm bằng gỗ. Vật dụng trong nhà cũng đơn giản, cũ kỹ. Chỗ học của cậu con trai là ghế hai bậc, cũng là vật dụng dùng để thắp hương ông bà.
“Mỗi tháng, tôi và cháu Ngân được trợ giúp từ Nhà nước gần 1 triệu đồng. Tiền này phần lớn dùng để mua thuốc cho tôi và cháu, mua tã cho Ngân. Thuốc hạ sốt phải luôn được trữ trong nhà để phòng khi cháu Ngân nóng sốt, không được hạ sốt kịp sẽ dẫn đến co giật, động kinh. Nhiều lúc, trong nhà không có đồng nào, vợ chồng tôi đi mượn anh em, họ hàng. Đến khi nhận tiền hỗ trợ, mình đem trả ngay nên được tin tưởng. Có lúc túng quá, đau ốm liên miên, nợ nần nhiều, vợ chồng tôi đánh bạo vay của Ngân hàng CSXH 30 triệu đồng; đến giờ vẫn chưa trả được”, chị Loan bộc bạch.
“Chưa bao giờ cầm số tiền lớn vậy”
Khoảnh khắc cầm xấp tiền lớn đầu tiên của một Việt kiều Úc gửi tặng qua chương trình “Khát vọng sống”, anh Dũng bậc khóc. Người đàn ông khắc khổ cố che giọt nước mắt và những nếp nhăn đang xô lại trên gương mặt sạm nắng bằng đôi bàn tay xương xẩu, đen sạm. Chị Loan ngước nhìn chồng với đôi mắt rưng rưng. Anh Dũng nói với ông Nguyễn Đức Tiến, người điều hành chương trình, bằng chất giọng chất phác: “Dạ thưa anh, đời tôi chưa bao giờ cầm được số tiền lớn vậy”.
Nói về ước mơ của mình, anh Dũng gói gọn: “Tôi ước xây được nhà vệ sinh, nhà tắm cho vợ con. Chân vợ tôi đứng lên ngồi xuống khó, đi lại cũng khó. Đường trơn là té. Đi vệ sinh ngoài đồng khổ lắm. Rồi tôi ước có được một cái cộ bò. Mấy ông bạn của tôi bảo tôi vẫn còn sức khỏe, có cộ bò để tự làm ăn, từ từ sẽ có tiền tích lũy. Cuối cùng, tôi mong có tiền để dẫn vợ đi khám bệnh”.
98,8 triệu đồng đã được các nhà hảo tâm đóng góp ngay tại chỗ cho gia đình anh Dũng. Chương trình ngỏ ý xin thêm để có con số tròn hơn thì số tiền đã nhảy lên 101,5 triệu đồng. Ban tổ chức chương trình, gia đình anh Dũng và chính quyền địa phương cùng thống nhất phương án sử dụng số tiền. UBND xã Phước Hiệp sẽ mở sổ tiết kiệm không thời hạn cho anh Dũng. Số tiền này được sử dụng vào việc khám bệnh, mua cộ bò (khoảng 35 triệu đồng), xây nhà vệ sinh, sửa lại nhà và nhà bếp, sửa xe máy. Khoản tiền còn lại được dùng để gửi tiết kiệm.
* “Cháu Ngân nhà anh Dũng là một trường hợp đặc biệt mà Hội Người mù tỉnh tiếp cận. Cháu đa khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Vì thế, các suất quà do Hội vận động được trước nay đều không vắng cháu. Kết nối với chương trình “Khát vọng sống” lần này, chúng tôi mong cuộc sống của cháu ổn định hơn”, ông Nguyễn Hùng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh trao đổi.
* “Câu chuyện về một người đàn ông lam lũ có nguyện vọng xây được một nhà vệ sinh cho vợ con, nghe tưởng chừng quá đơn giản trong thời buổi này, đã làm các nhà hảo tâm xúc động. Họ vượt hàng trăm cây số, cùng chương trình về với xóm nhỏ này để được chứng kiến hoàn cảnh của anh và quan trọng hơn hết là để giúp đỡ anh”, ông Nguyễn Ðức Tiến, người điều hành chương trình “Khát vọng sống” chia sẻ.
* “Ðịa phương sẽ đồng hành, giúp gia đình anh Dũng sử dụng số tiền của các nhà hảo tâm đúng mục đích”, ông Nguyễn Tấn Ðịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho biết.
NGUYỄN MUỘI