Bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ÐBQH tỉnh: Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của cả cộng đồng
Sau đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (giai đoạn 2014 - 2018) vừa được Ðoàn ÐBQH tỉnh triển khai tại một số cơ quan, DN trong tỉnh, PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, về kết quả của đợt giám sát này.
Bà Lý Tiết Hạnh trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH Trường Sơn về công tác PCCC tại đơn vị.
* Thông qua đợt giám sát chuyên đề về PCCC, bà đánh giá như thế nào về công tác bảo đảm an toàn PCCC của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh?
- Qua đợt giám sát, tôi thấy công tác tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ được các đơn vị, DN quan tâm, tăng cường hơn trước với nhiều hình thức thiết thực, đa dạng, nhất là chú trọng công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC, lực lượng PCCC tại chỗ. Thông qua giám sát, tôi thấy người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị nào nhận thức đầy đủ trách nhiệm thì nơi đó công tác PCCC được thực hiện tốt.
Toàn tỉnh hiện có 1.804 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; trong đó, có 822 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ. Ðồng thời, có 5 khu công nghiệp, 36 cụm công nghiệp, 1 khu kinh tế, 3 trung tâm thương mại, 167 chợ các loại, 224 cửa hàng xăng dầu và hơn 350 khách sạn, cơ sở cho thuê lưu trú... cũng là những nơi “nhạy cảm” với “giặc lửa”.
Đáng mừng, thông qua công tác tuyên truyền, vận động PCCC của các ngành, các cấp, nhận thức về PCCC trong quần chúng nhân dân, các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh đóng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đơn vị hành chính trong tỉnh đã được nâng lên. Từ phong trào toàn dân PCCC đến kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác chữa cháy ở nhiều nơi có sự tiến bộ so với trước. Đặc biệt, các nhà máy, xí nghiệp đã đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ ngày một hoàn thiện. Cán bộ, công nhân viên tại các DN, trung tâm thương mại… khi được đoàn giám sát yêu cầu thực hành thao tác các phương án PCCC tại chỗ đa phần làm khá thành thục. Điều này cho thấy, công tác PCCC trở thành hoạt động thường xuyên, nhận thức về PCCC cũng được nâng lên theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Tuy vậy, qua đợt giám sát, tôi cũng thấy công tác PCCC vẫn còn những hạn chế, bất cập, vướng mắc. Đơn cử như việc trang thiết bị, phương tiện PCCC tại một vài DN chưa đáp ứng, phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, có DN mang tâm lý chủ quan, chạy đua với yêu cầu sản xuất, nhưng lại thiếu quan tâm đến công tác PCCC. Một số đơn vị, DN chia sẻ dù nhận thức khá rõ về tầm quan trọng của PCCC, song giá thành các trang thiết bị, phương tiện PCCC cao nên chưa đủ điều kiện để đầu tư...
* Đối với những DN vi phạm các quy định, điều kiện về PCCC, Đoàn kiến nghị gì đến cơ quan chức năng để xử lý?
- Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường rà soát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, DN chấp hành, thực hiện đúng các quy định, điều kiện của Luật PCCC. Đối với những DN qua quá trình kiểm tra, phát hiện có sự chây ỳ, cố tình vi phạm không chấp hành yêu cầu về PCCC dù được cơ quan chức năng liên quan nhắc nhở, hướng dẫn thì cần phải kiên quyết xử lý.
Thông qua đợt giám sát lần này, đoàn kiến nghị các đơn vị, DN chưa thực hiện tốt công tác PCCC phải có kế hoạch, phương án chấn chỉnh, khắc phục. Những tồn tại, hạn chế nào xuất phát từ yếu tố khách quan thì chúng tôi sẽ tổng hợp, kiến nghị lên cấp trên xem xét, giải quyết về mặt chính sách.
* Thông qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh có kiến nghị gì để công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, thưa bà?
- Qua so sánh và đối chiếu Luật PCCC với thực tế công tác PCCC hiện nay, tôi thấy một số vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung để Luật PCCC hoàn thiện, phù hợp hơn. Chẳng hạn như cơ chế, chính sách làm sao để lực lượng PCCC hoạt động tốt, hiệu quả. Công tác PCCC ở nhiều nơi còn mang tính hình thức do chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu, do đó lực lượng PCCC tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tôi nghĩ, để công tác PCCC đạt hiệu quả cao thì phải lấy công tác phòng ngừa là chính, đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC trong từng đơn vị, DN, khu dân cư, từng cơ sở, từng hộ gia đình, để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gây ra cháy, nổ. Phải xây dựng, củng cố, trang bị phương tiện và huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với lực lượng tại chỗ đủ mạnh để chủ động phòng ngừa và xử lý các tình huống ban đầu kịp thời, có hiệu quả. Do vậy, việc phải xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ là một trong những vấn đề hết sức quan trọng.
Qua giám sát, ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị đến UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hơn trong lĩnh vực PCCC. Đối với các DN, nhà nước cần quan tâm hỗ trợ về cơ chế chính sách, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn, kiểm tra,... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN trong công tác PCCC. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để những nơi khó khăn vẫn có cơ hội, điều kiện để làm tốt công tác PCCC. Ngoài ra, nhà nước cần phải xây dựng cơ chế để các đơn vị, DN hiểu đúng về công tác PCCC, trong đó có việc ưu tiên xây dựng hệ thống chữa cháy tự động, thông minh nhằm giảm thiểu ngay từ ban đầu thiệt hại do các vụ cháy gây ra.
Các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức và người dân cần nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm về PCCC và phải coi PCCC là trách nhiệm của cả cộng đồng, chứ không phải nhiệm vụ của riêng ai. Hơn nữa, để công tác PCCC đạt hiệu quả thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, DN, cơ sở… phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về công tác này.
* Xin cảm ơn bà!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)