Gạo sạch và những cơ hội mới
Nếu không muốn dùng các loại gạo được cho là có hóa chất bảo quản, chống mối mọt, người tiêu dùng thường hướng tới các loại gạo như: gạo thường (thường mua của mối quen, do nông dân tự sản xuất), gạo an toàn (VietGAP, GlobalGAP, SRP...) và gạo hữu cơ Organic. Tùy theo nhu cầu và túi tiền, người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn phù hợp.
Người tiêu dùng chọn mua gạo sạch ở siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn.
Ở Quy Nhơn người tiêu dùng (NTD) thường tìm mua gạo sạch ở siêu thị Co.op Mart, tại đây ta có thể tìm được cả chục loại gạo sạch đủ nhãn hiệu với giá từ 30.000 đồng/kg - 40.000 đồng/kg. So với năm ngoái, các loại gạo an toàn, gạo sạch thương hiệu nổi tiếng trong nước như Thiên Long, Cỏ may, Quế Lâm, VinEco (Tập đoàn Vingroup), CP Nông nghiệp GAP, Gạo Hoa Lúa, Tiến Thành, Long Châu, Lê Thành... đã có mẫu bao bì mới, hút chân không từng túi 2 kg hoặc 5 kg.
Hệ thống canh tác lúa cải tiến (System of Rice Intensification - SRI), tên gọi đầy đủ là hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa. SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới. Bộ NN&PTNT công nhận SRI là tiến bộ kỹ thuật, cho phép áp dụng rộng rãi trong sản xuất lúa.
Giá bán gạo sạch cao gấp 2 - 4 lần so với gạo thông thường. Song, anh Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Marketing, Siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn cho biết: “Năm nay, số lượng DN muốn đưa gạo sạch vào siêu thị khá nhiều. Chúng tôi chọn những DN uy tín, có giấy chứng nhận nguồn gốc và giấy đảm bảo an toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. So với năm ngoái, mỗi ngày siêu thị bán 650 kg gạo. Trong đó gạo sạch tăng dần tỉ lệ từ 5% lên gần 20% tổng số lượng gạo bán ra”.
Tuy ít hơn Co.op Mart nhưng siêu thị Mega Market, Big C trung bình cũng bán được khoảng 1.000 kg gạo/tháng. Siêu thị Big C vừa tung ra thị trường dòng gạo sạch của Công ty Vinamit với giá 50.000 đồng/kg nhưng lượng tiêu thụ còn thấp do NTD còn e dè do giá cao.
Ngược lại siêu thị, các cửa hàng tiện ích, trái cây sạch lại tìm mua gạo do các nông hộ trong tỉnh canh tác với cam kết không chất bảo quản, thuốc trừ sâu với giá bán từ 23.000 đồng/kg trở lên. Cửa hàng Nông trang xanh (TP Quy Nhơn) còn bày bán loại gạo mua từ người đồng bào ở tỉnh Kon Tum.
Gần đây, biết việc nhiều nông hộ ở các xã như Phước Sơn, Phước Hưng, huyện Tuy Phước canh tác giống lúa BC15 theo hệ thống SRI, một số NTD tỉnh ta tìm cách mua loại gạo này để dùng. Bà Nguyễn Thị Hoa (184 đường Hùng Vương, TP Quy Nhơn) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thường ăn gạo quê do người quen cung cấp. Sau đó con gái tôi biết ở nông dân xã Phước Hưng canh tác giống lúa BC15 theo quy trình nghiêm ngặt của một công ty ở ngoài Bắc nên đã tìm mua! Gia đình dùng 30 - 50 kg/tháng và giới thiệu cho nhiều người cùng dùng nên gom 1 lần 200 - 300 kg họ chở đến nhà luôn”.
Xác nhận “hiện tượng BC15”, chị Phan Thị Thanh Trí (xóm 7, thôn An Cửu, xã Phước Hưng) kể: “Tôi làm nghề thu mua lúa ở xã. Trong quá trình thực hiện hợp đồng với đối tác, bà con nông dân Phước Hưng có dư ra một số, tôi mua gom để cung cấp cho khách hàng ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn. BC15 là giống lúa tốt, được canh tác theo hệ thống SRI, lúa đạt chất lượng cao, gạo ngon cơm, nên có bao nhiêu là được tiêu thụ bấy nhiêu. Hễ đơn hàng của khách đạt từ 100 kg trở lên, tôi chở đến tận nhà với giá 13.000 - 15.000 đồng/kg”.
Gạo là loại lương thực sử dụng hàng ngày, việc NTD ngày càng quan tâm nhiều hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm, mức độ gần với tự nhiên khiến các loại gạo sạch, cao cấp được thị trường đón nhận tích cực. Đây cũng là cơ hội để các HTXNN, các công ty có thể xây dựng thương hiệu bằng cách tổ chức chu trình cung cấp khép kín từ canh tác - thu hoạch - đóng gói - giao nhận tận nhà. Hơn nữa, theo các nhà chuyên môn việc NTD chọn dùng gạo sạch sẽ tạo ra hiệu ứng rất tích cực bởi nông dân buộc phải sử dụng phân bón đúng quy trình, phù hợp; nhờ đó sẽ nuôi được độ phì của đất, qua đó bảo vệ được môi trường sống.
HẢI YẾN