Quy Nhơn hồi đó, bây giờ
* Bút ký của THANH THẢO
Thú thực, cảm tưởng đầu tiên của tôi khi ghé qua Quy Nhơn tháng 6.1975 không mấy mặn mà, dù đây là thành phố biển, gió biển thổi suốt đêm ngày. Có lẽ tôi thấy Quy Nhơn hơi “xộc xệch” và hơi thiếu sức thu hút. Chợt nhớ 21 năm trước, tháng 7.1954, tôi đã xuống tàu thủy từ biển Quy Nhơn tập kết ra Bắc. Bấy giờ, thành phố còn quá nhỏ bé, chỉ những bãi cát là rộng, bụi cát mịt mù. Cảm tưởng về Quy Nhơn của tôi năm 1975 vừa đúng vừa sai. Đúng, vì thành phố này lúc đó không thể so với những thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Đà Nẵng. Sai, vì tận chiều sâu, Quy Nhơn ẩn chứa bao điều mà tôi chưa thể nhận ra khi mới lướt qua. Thành phố lúc ấy vừa phố vừa làng chài, ngoại vi một chút là làng quê.
***
Cho tới năm 1979, khi vợ chồng tôi về định cư ở Quy Nhơn, cũng chưa biết ở lâu dài thế nào, nhưng rồi đã ở Quy Nhơn tới 10 năm. Bây giờ người ta hay gọi là một thập niên. Biết bao buồn vui ở cái thành phố nhỏ bé mà gặp ai cũng như gặp người quen, ngồi ở quán rượu nhỏ nhoi nào cũng có khả năng thành con nợ ở đó. Và tôi phải nói thật - trong 10 năm, tôi chứng kiến Quy Nhơn rất ít thay đổi. Có thể, vì đó là thời gian khổ nhất của cả nước, và Quy Nhơn không ngoại lệ. Khổ thì khổ, mà vui thì vui. Căn phòng nhỏ bé của gia đình tôi không bao giờ ngớt khách. Các anh nhà văn nhà thơ lớn, các bạn nhà thơ nhà văn cùng trang lứa, có cả bạn giang hồ lỡ bước, những cuộc tụ hội này khiến tôi cảm thấy mình gắn bó với Quy Nhơn.
Toàn cảnh TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Đó là lý do trong 10 năm ấy, tôi viết được nhiều tác phẩm, có những tác phẩm tới giờ tôi vẫn rất ưng ý. Đó là một bầu sinh quyển thơ ca đặc biệt mà tôi may mắn được sống trong đó. Nhưng nhìn ra thành phố bằng mắt thường (không qua lăng kính… thơ ca), thì đúng là Quy Nhơn cứ nghèo nghèo - nhỏ nhỏ & hơi xộc xệch sao đó. Dù rằng ân tình của người Quy Nhơn thì lúc nào cũng vun đầy, cũng ấm áp.
Năm 1989, sau khi chia tách tỉnh Nghĩa Bình, tôi về Quảng Ngãi quê hương, tạm xa Quy Nhơn. Cũng cứ ngỡ còn ít cơ hội đến với thành phố này. Nhưng rồi, từ năm 2006 thì phải, tôi lại về với Quy Nhơn. Trong nhiều năm sau đó, có những năm tôi về Quy Nhơn tới 5 - 6 lần. Lúc vì công việc, lúc vì tình anh em bạn bè. Nhưng có một cái vì lớn hơn nhưng khó nhận ra, là vì chính thành phố này.
Bởi kể từ những năm đó, Quy Nhơn đã bước vào hành trình thay hình đổi vóc, thay da đổi thịt. Thành phố cũng có đời sống như đời sống con người. Nhiều khi, sống qua thời gian dài trong khó khăn gian khổ, bỗng dưng lại tiếp cận với một thời kỳ mới, với những cơ hội mới để đổi đời, thì cũng bỡ ngỡ chứ. Cái đoạn từ 2005 tới 2008, tôi cho là đoạn hơi bỡ ngỡ của Quy Nhơn, nhưng đó chính là giai đoạn chuẩn bị cho Quy Nhơn có được bản lĩnh của một thành phố giàu cảm xúc và có những điều kiện vật chất để vươn lên khá giả như hôm nay.
Còn nhớ, năm 1985, chuẩn bị kỷ niệm 10 năm giải phóng Quy Nhơn và Nghĩa Bình, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghĩa Bình có nhã ý mời vợ chồng nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao cùng hai nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha về thăm và sáng tác tại Nghĩa Bình, tại Quy Nhơn. Khi vừa vào tới Quy Nhơn, Văn Cao đã có ngay chùm thơ ba bài về Quy Nhơn, đánh số 1, 2, 3. Đó là chùm thơ đánh dấu sự trở lại thi đàn của Văn Cao sau bao nhiêu năm ông bặt tiếng. Khi cùng nhau đi thực tế hay vui cùng bạn hữu Nghĩa Bình, chúng tôi đã có sáng kiến đưa ra một kiến nghị gửi tỉnh Nghĩa Bình và TP Quy Nhơn, đề xuất xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca”. Đó là một ý tưởng rất đẹp, dù lúc bấy giờ chưa khả thi vì tỉnh và thành phố còn nghèo. Nhưng ý tưởng thì không cần chờ, không thể chậm đưa ra, nếu đã nghĩ ra. Trong kiến nghị, chúng tôi (gồm hơn hai chục anh chị em văn nghệ sĩ từ Hà Nội tới Huế, tới Nghĩa Bình) đề xuất xây dựng khu Ghềnh Ráng thành một Trung tâm tưởng niệm những nhà thơ lớn từng sống và sáng tác ở Quy Nhơn từ trước cách mạng tháng Tám. Và biến con đường nhỏ dọc ven biển (lúc ấy là đường Nguyễn Huệ) thành một “đại lộ Thơ Ca”.
Đường Nguyễn Huệ - Quy Nhơn, trước năm 1975. Ảnh tư liệu
Cũng cứ nghĩ mình đưa ra ý tưởng thành tâm như vậy, nhưng để thành hiện thực thì rất khó, nào ngờ, năm 2006, khi tôi trở lại với Quy Nhơn, thì gần như một phần trong đề án xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca” đã thành hiện thực. Ghềnh Ráng thành một khu du lịch rất đẹp, còn đường Xuân Diệu dọc biển đã là con đường đẹp nhất thành phố. Đêm đêm, từ khách sạn Hải Âu hay Hoàng Yến nhìn xuống dọc đường Xuân Diệu, thấy lung linh những dãy đèn đẹp như hội hoa đăng, điều tôi chưa bao giờ thấy trong 10 năm sống ở Quy Nhơn.
Sự thay đổi của một thành phố có quy hoạch là sự thay đổi hướng tới sự hài hòa, hướng tới những cấu trúc đẹp, chứ không phải hướng tới sự lộn xộn. May mắn thay, Quy Nhơn đã có quy hoạch chặt chẽ từ trước, nên khi mở rộng, thành phố vẫn duyên dáng, vẫn đẹp một cách hài hòa.
Mỗi sáng ra biển, nhìn bức tượng đài Đức Thánh Trần sừng sững trên nền trời - biển, bao ký ức lại ùa về. Quy Nhơn giờ đây đã có những điểm nhấn đúng như một thành phố tầm vóc phải có. Nhưng Quy Nhơn vẫn còn những góc nhỏ đẹp một cách bình dị. Đó mới là đặc sắc của một thành phố biển. Đêm đêm, vẫn sáng rực trên biển những ngọn đèn thuyền đánh cá, vẫn thơ thới từng cơn gió biển thổi vào thành phố, và người Quy Nhơn vẫn hiền hòa như chính thành phố của mình.
Bây giờ, thú thật, mỗi lần vào Quy Nhơn tôi đều… lạc đường. Thành phố ngày xưa nhỏ bé, thì thành phố bây giờ ngang dọc những con phố dài rộng, san sát những khu thương mại mua bán, những hàng quán đón khách du lịch với những món ăn mà ngày trước ở Quy Nhơn tôi đã từng ăn và yêu thích. Một thế mạnh của thành phố du lịch Quy Nhơn, đó là thế mạnh về ẩm thực. Đây rất gần Kinh đô cũ Đồ Bàn, và những món ăn cung đình ngày xưa hòa quyện với những món ăn dân dã của những làng quê rất tài hoa trong chế biến những nguyên liệu sẵn có ở địa phương thành những đặc sản. Thành phố sạch và đẹp, nhờ ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cư dân thành phố, của những khách du lịch tới viếng thăm thành phố.
Đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Quy Nhơn đã có trường sư phạm từ cuối những năm 70 thế kỷ trước, nơi đào tạo rất nhiều thế hệ giáo viên cho cả khu vực miền Trung. Bây giờ, Quy Nhơn lại có Trung tâm khoa học quốc tế, nơi hàng năm tụ hội những trí tuệ hàng đầu thế giới, những nhà khoa học được giải Nobel, những người sáng tạo có nguyện vọng làm đẹp làm tốt cho thành phố biển này.
Du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực ở Quy Nhơn giờ đây lại thêm một hình thái du lịch mới: du lịch trí tuệ, du lịch khoa học, du lịch tri thức, du lịch giáo dục... Đó là cái duyên tuyệt vời cho thành phố này, và thành phố xứng đáng được như vậy trong cả lịch sử phát triển của mình. Tất nhiên cũng đừng quên nghệ thuật tuồng, nghệ thuật bài chòi Bình Định và Quy Nhơn đã thành di sản phi vật thể thế giới. Xin thứ cho tôi cái chuyện phải kể ra, nếu tôi buộc phải nói thêm e sẽ thành thừa mất.
Quy Nhơn không cần nhiều cao ốc. Nhưng Quy Nhơn cần những tầm cao trí tuệ, những sự lan tỏa cảm xúc, những ngọn lửa sáng tạo từ rất nhiều lĩnh vực đời sống. Quy Nhơn cần giữ sự thân thiện bẩm sinh của mình, và thành phố cứ không nguôi ân tình với tất cả những ai yêu mến nó.
Tôi lại nhớ khoảng thời gian này trong năm, Quy Nhơn ngập trong gió nồm nam, cái gió mát mẻ hiền lành đến không sao quên được.
Quy Nhơn ơi, bạn bè của tôi ơi!