Bộ trưởng GD-ĐT làm việc với trường về vụ học sinh bị đánh hội đồng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường báo cáo lại diễn biến sự việc, nguyên nhân dẫn đến vụ việc...
Sáng 31.3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trực tiếp làm việc với trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi về việc học sinh nữ bị một nhóm bạn cùng lớp đánh phải nhập viện điều trị đang gây bức xúc trong dư luận.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường báo cáo lại diễn biến sự việc, nghe tường trình của cô giáo chủ nhiệm về quá trình quản lí lớp học, về nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng ông Nguyễn Văn Phóng- Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo buổi làm việc. (Ảnh: Giáo dục và Thời đại).
Theo báo cáo của Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng - ông Nhữ Mạnh Phong thì sự việc xảy ra vào cuối giờ học ngày thứ 6 (22.3). Sau khi giáo viên và các bạn học sinh đã về hết, 5 em học sinh có mặt trong clip đã có hành vi đánh đập, đạp nhiều lần vào đầu, vào người, lột hết đồ của em N.T.H.Y và quay clip. Sau khi nắm được sự việc, sáng 23/3, nhà trường đã yêu cầu 5 em học sinh vừa nêu cùng gia đình lên làm tường trình. Gia đình em Y. đã đồng ý bỏ qua cho 5 học sinh.
Khi biết nhà trường đình chỉ các em đến hết năm học, gia đình lại xin nhà trường chỉ nên đình chỉ các em một tuần, vì năm nay là cuối cấp. Nhà trường cũng yêu cầu các học sinh xóa clip để bảo vệ danh dự cho em Y. Nhưng do clip được phát tán, nên sau khi xem xong clip này, gia đình của Y. vì quá bức xức đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc có nghe thấy và chưa có báo cáo vụ việc em Y. bị hành hung, cô giáo chủ nhiệm khẳng định, bà chưa từng nhận thông tin tố giác. Em Y. cũng không tâm sự, chia sẻ hay báo cáo gì với cô giáo. Chỉ đến khi nhận được tin nhắn, bà mới biết về vụ việc.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là phải sâu sát, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý của học sinh có những biểu hiện gì để phối hợp với nhà trường có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ chứ không thể để xảy ra sự việc đau lòng như vừa rồi.
Qua đây để thấy có rất nhiều giải pháp phòng chống chủ động chứ không phải khi để xảy ra sự việc rồi mới tìm giải pháp khắc phục.
Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên là sẽ xử lý nghiêm khắc tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong vụ việc này./.
Theo Minh Hường (VOV1)