Mở lối để làng nghề đến với du lịch: Rất cần chính quyền chủ động
Du lịch gắn với làng nghề truyền thống đang tạo ra một sản phẩm du lịch thu hút khá đông khách. Một số địa phương đã chủ động trong đón cơ hội này, hình thành sản phẩm du lịch làng nghề gắn với phát triển bền vững.
Điểm sáng Tây Sơn, Hoài Nhơn
Huyện ủy, UBND huyện Tây Sơn đã đưa 5 làng nghề (LN) nổi tiếng của huyện gồm: LN nón lá Thuận Hạnh, LN bánh tráng Thuận Truyền (xã Bình Thuận), LN bánh tráng Kiên Mỹ (xã Bình Thành), LN sản xuất rau VietGAP Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong), LN dệt thổ cẩm làng Giọt (xã Vĩnh An) vào quy hoạch, phát triển xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Tây Sơn.
Làng nghề sản xuất rau VietGAP Thuận Nghĩa thích hợp cho du lịch cộng đồng, trải nghiệm.
Theo ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, để hỗ trợ LN phát triển, huyện đã đầu tư làm đường giao thông từ QL 19 đến Đài Kính Thiên (Bình Tường) vào Khu DL Thác Đổ Vĩnh An và định hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại xã Vĩnh An, trong đó lấy LN dệt thổ cẩm làng Giọt làm điểm nhấn.
LN sản xuất rau VietGAP Thuận Nghĩa, sau khi UBND huyện tập trung vốn, ưu tiên đầu tư hạ tầng, quảng bá hình ảnh của làng với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, phối hợp ngành du lịch tỉnh tổ chức khảo sát thực tế, lắng nghe tư vấn, chỉ ít lâu sau các đơn vị lữ hành đã mở tour về đây. Ông Nguyễn Ngọc Tài, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Quy Nhơn Land, cho biết: “Đầu tháng 3, công ty đã khảo sát thực tế làng rau Thuận Nghĩa, và mở tour về Thuận Nghĩa. Công ty đã đón 2 đoàn khách với gần 80 người về đây, bước đầu nhận được những phản hồi tích cực”.
Tại Hoài Nhơn, du lịch LN được chọn xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Toàn huyện Hoài Nhơn có 4 LN truyền thống, huyện có những sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: chiếu cói, bún số 8; số khác được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: nước mắm truyền thống, dầu dừa tinh khiết, bánh tráng nước dừa.
Theo ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, UBND huyện chủ động phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh, Sở Du lịch mở nhiều đợt khảo sát, đưa sản phẩm du lịch LN vào quy hoạch theo đề án phát triển du lịch các huyện phía Bắc tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Chủ động đón cơ hội
Chia sẻ về cơ hội, cách thức khai thác và phát huy giá trị làng nghề, quan điểm của anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty du lịch Bình Long (Phù Mỹ), đơn vị chuyên khai thác tour du lịch Phù Mỹ phân tích: DN lữ hành rất cần sự chủ động của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân trong việc mở tour làng nghề. Nghĩa là, chính quyền chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất tại các LN, vận động người dân LN giữ gìn vệ sinh chung, tạo điều kiện để phát triển. Ở phía ngược lại, DN lữ hành khai thác tour kết hợp với việc tham quan, trải nghiệm hoạt động tại LN, tạo cơ hội cho người dân LN có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch.
Điểm đáng tiếc là ở một nơi giàu tiềm năng như An Nhơn, mọi thứ có vẻ vẫn rất trầm lắng. Không giấu được sự sốt ruột, ông Dương Văn Hành, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất & kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định thuộc LN truyền thống rượu Bàu Đá Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), chia sẻ: Với việc được công nhận nhãn hiệu tập thể, được chọn quy hoạch LN gắn với du lịch, cơ hội để Cù Lâm - Nhơn Lộc bứt phá rất lớn. Song, nhiều năm qua, mọi việc chỉ mới dừng lại ở mức quy hoạch, chưa có chuyển động nào hơn trên thực tế.
Theo thống kê của Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), toàn tỉnh có 51 LN với 7.300 hộ dân/16.000 lao động tham gia sản xuất, đây là thế mạnh để phát triển du lịch làng nghề. Song, thực tế hoạt động kinh doanh này đến nay vẫn chưa xứng với tiềm năng, mà nguyên nhân có lẽ bắt đầu từ việc chính quyền ở cơ sở còn ít năng động nhận diện, khai thác cơ hội, quảng bá về mình.
Bà Hoàng Thị Thu Sen, Giám đốc Vietravel Quy Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Ðịnh “hiến kế” cho Tây Sơn trong việc phát triển du lịch LN, đó là địa phương cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng cả những điều đơn giản như khu vệ sinh, sinh hoạt cho du khách; sáng tạo các sản phẩm lưu niệm của làng nghề; dành một vị trí đẹp để đảm bảo cho khách có nhu cầu check-in. Là một nhà điều hành tour có kinh nghiệm, giải pháp mà bà Sen đưa ra không chỉ dành riêng cho Thuận Nghĩa, mà các làng nghề khác ở Bình Ðịnh cũng có thể tham khảo, áp dụng.
THU DỊU