Từ chiếc bì nhỏ đến chuyên gia marketing
Bạn tôi là một ông nông dân thứ thiệt ở huyện Vân Canh và mê làm giàu. “Bén duyên” với cây trà dung, anh phơi khô lá trà đem bán. Ít lâu sau, anh chế biến, đóng gói trà túi lọc, tinh chế bột trà dung matcha. Rồi rất nhanh, sản phẩm của anh được dán tem để có thể truy xuất thông tin - từ nguồn gốc, khâu trồng chăm sóc đến chế biến, đóng gói… Chưa dừng lại ở đó, anh còn quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thử nghiệm ươm, trồng trà dung trên đất đồi.
Anh bạn tôi đã chuyển toàn bộ bao bì sản phẩm trà dung sang đóng gói bằng bao bì giấy thân thiện với môi trường.
Biết rõ niềm đam mê làm giàu của anh, nhưng đến khi anh chia sẻ ý tưởng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, thuê đất, thuê chính người dân địa phương cùng trồng, chăm sóc, hình thành vùng nguyên liệu trà dung, cùng nhau chia sẻ lợi ích, thì tôi khâm phục.
Trong hành trình của mình, anh thường xuyên khiến tôi bất ngờ. Từ cách anh tiếp cận thị trường, đón nhận cái mới, thay đổi để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại đến việc áp dụng công nghệ vào sản xuất. Đầu năm 2019, anh chuyển toàn bộ các sản phẩm trà dung sang đóng gói bằng bao bì giấy thân thiện với môi trường. Cái cách anh bắt kịp với xu hướng thời đại giúp sản phẩm của anh tiếp cận được nhiều thị trường, trong đó có nhiều siêu thị lớn, kênh thương mại điện tử hàng đầu, cùng với đó là phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.
Từ câu chuyện của anh, tôi lại nhớ tới chuyện một HTXNN sản xuất rau VietGAP thuê luôn một nhân viên marketing để tiếp thị rau. Ngày ấy khi biết chuyện, rất nhiều người đã cười ngất. Kể cũng phải, bởi đến cả cái chứng nhận VietGAP kia còn “lên bờ xuống ruộng” mới giữ nổi, bày đặt thuê “nhân viên marketing” để trang trí chắc? Rồi họ trêu cả hai bằng cách gọi chàng trai kia “chuyên gia ma - kết - tinh”. Mặc kệ những lời đàm tiếu, giám đốc HTXNN vẫn cứ thuê. Mà hay ho hơn nữa là cái anh nhân viên mới - vốn đang có chỗ làm tốt ở TP Hồ Chí Minh - lại bị thuyết phục bởi những ý tưởng lạ đời của cái ông giám đốc HTX rau.
Để chào hàng rau VietGAP, “chuyên gia ma - kết - tinh” cần mẫn mang từng mẫu rau vào Sài Gòn, cho đối tác test mẫu, kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Và rồi nỗ lực của anh đã được chứng thực hiệu quả bằng những đơn hàng xuất sang thị trường Hàn Quốc. Không chỉ có thế, một tương lai xuất khẩu rau VietGAP lại rộng mở khi HTXNN ấy đang triển khai nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch để giữ độ tươi cho rau sau nhiều giờ bay.
Vậy đó, sản xuất kinh doanh thì phải tính toán. Nhưng đôi khi, có những phép tính cực chính xác lại ẩn dưới cái vỏ lãng mạn và bay bổng, ta hãy cứ bình tĩnh tiếp nhận.
QUANG BẢO