Trầm cảm - sát thủ giấu mặt
Bệnh trầm cảm đang có xu hướng gia tăng nhưng việc điều trị gặp nhiều thách thức do đa số bệnh nhân không được nhận biết về bệnh để được điều trị sớm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng sống, công việc, sức khỏe...
Trầm cảm là một dạng bệnh rối loạn thường gặp trong tâm thần học. Nó khiến người bệnh rơi vào trạng thái buồn bã, mất hứng thú trong thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tâm trạng, hành vi; trong một số trường hợp có thể dẫn đến tự sát. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là người ta thường chỉ biết đến nó khi đã có hậu quả. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh phổ biến thứ 2 tấn công sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch).
Căn bệnh của thời hiện đại
Dấu hiệu của bệnh trầm cảm là cảm giác trống rỗng hay buồn chán dai dẳng. Người bị trầm cảm thường có thái độ bi quan, lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ kéo dài và nghĩ tới tự vẫn... Một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn không được phát hiện, điều trị. Cùng với đó, đây là chứng rối loạn tâm thần phổ biến thứ 3 trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
Luyện tập thể dục thể thao là cách để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày, giúp cuộc sống vui tươi hơn. Ảnh: HẢI YẾN
Các nhà nghiên cứu khoa học cũng như nhiều bác sĩ từ thực tế điều trị đã cảnh báo: Trầm cảm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong bất kỳ một thời điểm nào đó của cuộc đời và khoảng 10 - 15% dân số có thể bị bệnh trầm cảm.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết: “Trầm cảm thường bắt đầu do chịu không nổi áp lực trong cuộc sống, dẫn đến những thiếu hụt về dẫn chất thần kinh trong não. Đó có thể là áp lực vì bị bạn bè trấn áp, áp lực học hành, thi cử; thất bại trong yêu đương; mất việc làm; mất vị trí… Nhiều người tưởng rằng ở lứa tuổi trưởng thành, người ta vững vàng hơn, song không phải ai cũng vậy. Một số người đã bị trầm cảm sau khi mất người thân, buồn bã do về hưu, do con cái chăm sóc chểnh mảng…”.
Hãy cười thật nhiều!
Do gia đình tan vỡ, ngay khi còn bé, chị T.N.H (ở Tuy Phước) đã mắc phải chứng trầm cảm, dầu vậy, vì không có người thân quan tâm đúng mức, H. không thể vượt qua để giải tỏa tinh thần. H. âm thầm chịu đựng mọi thứ một mình và bắt đầu tìm cách hủy hoại bản thân những lúc căng thẳng. May mắn là cuối cùng người nhà của H. nhận thấy điều bất thường sau một lần chị tự hủy hoại cơ thể. “Tôi đã rất mệt mỏi và nghĩ đến cái chết, thật may sau khi được điều trị, được người thân động viên, gần gũi, chia sẻ, tôi đã dần vượt qua”, H. rùng mình kể lại.
Điểm lưu ý quan trọng nhất là khi có các dấu hiệu trầm cảm như lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng xảy ra thường xuyên và kéo dài, người bệnh không nên cố gắng chịu đựng một mình mà nên tìm gặp bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người bệnh trầm cảm còn cố gắng giấu giếm cảm xúc của mình, vì thế nếu thấy người thân có dấu hiệu khác thường, hãy khuyên họ đi gặp bác sĩ để được điều trị bệnh kịp thời.
Nam giới dễ bị mắc chứng trầm cảm hơn phụ nữ và theo bản năng, họ ít nói về cảm giác của mình, bộc lộ cảm xúc so với phụ nữ. Thay vào đó, nam giới có thể tỏ ra dễ bực bội, giận dữ hay bồn chồn. Một số cố chống chọi với trầm cảm bằng cách uống rượu hay nghiện ngập.
Mỗi người bệnh trầm cảm đều có nguyên nhân khác nhau, vì vậy cách điều trị cũng khác nhau. Tuy nhiên, có những điều chung mà người mắc bệnh trầm cảm nên làm, đó là cười thật nhiều. Bác sĩ Định khuyên: “Nụ cười sẽ làm cho bạn thoải mái và vui vẻ hơn, làm tiêu tan những lo lắng. Hãy làm những gì bạn thích để luôn cảm thấy được thoải mái, như nghe nhạc, xem phim, đọc sách, mua sắm… Hãy tìm kiếm một cuộc sống bận rộn vì khi đó bạn sẽ không có thời gian để nghĩ quá nhiều đến những chuyện không vui, bận rộn cũng giúp bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”.
* Hãy quan tâm tới sức khỏe tâm thần của người thân, hãy để ý đến những dấu hiệu, hành vi bất thường của họ nếu chúng lặp đi lặp lại. Ðừng bao giờ chỉ trích.
* Bất cứ bạn đang ở trong hoàn cảnh nào thì vẫn nên “tập trung vào mặt tích cực”. Ðây là thói quen thực sự hữu ích để giữ gìn sức khỏe tâm thần đồng thời là một liệu pháp xóa bỏ trầm cảm.
* Tập thể dục thường xuyên, cường độ vừa phải có thể cải thiện rõ rệt các triệu chứng trầm cảm đối với những người trầm cảm nhẹ và vừa. Tập luyện cùng một nhóm người hay tập với bạn bè hiệu quả sẽ cao hơn.
THẢO KHUY - THÙY VY