Năm 2019, hành động quyết liệt để tạo đột phá về cải cách hành chính
Tháng 5.2019, phát động phong trào thi đua về cải cách hành chính trên phạm vi cả nước, tập trung vào các vấn đề về giải pháp sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ...
Thực hiện công tác cải cách hành chính đã tạo nhiều chuyển biến trong hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp. Ảnh minh họa
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhằm thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Cắt giảm 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong năm qua, công tác cải cách hành chính nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của chính quyền các cấp.
Kết quả nổi bật là đã tập trung rà soát, kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, Bộ Công an đã sắp xếp, cắt giảm 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; sáp nhập 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng thuộc Công an tỉnh, gần 1.000 đơn vị cấp đội thuộc Công an huyện.
Bộ Tài chính đã giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc nhà nước cấp tỉnh; sắp xếp lại, cắt giảm 18 chi cục thuế và 110 đội thuế tại 6 địa phương; ngành hải quan cắt giảm 239 đội/tổ thuộc các chi cục hải quan và tương đương. Bộ Nội vụ giảm 14 đơn vị cấp phòng thuộc vụ và tương đương; giảm 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các ban tương đương tổng cục.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa giấy tờ công dân đã có những bước tiến rõ rệt. Các bộ đã trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã giảm đáng kể; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương đã mang lại kết quả tích cực với 18 bộ, ngành và 54 địa phương đã xây dựng Trung tâm dữ liệu, trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin; 16 bộ và 57 tỉnh, thành phố đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử; hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại 100% các bộ, ngành, địa phương.
Đánh giá về công tác cải cách hành chính trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nội dung này đã được triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực, nhờ đó, tạo nhiều chuyển biến trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp theo hướng kiến tạo, phục vụ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng cho rằng, năm 2018, kinh tế - xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt kế hoạch đề ra. Có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, trong đó, công tác cải cách hành chính đã góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường pháp lý, hành chính thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho các chủ thể của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh cũng như thực thi các phương án cải cách thủ tục hành chính còn chậm; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn phức tạp; tỷ lệ thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu; tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính tại một số lĩnh vực vẫn còn diễn ra.
Cơ cấu số lượng lãnh đạo cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh ở một số nơi chưa hợp lý; việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn mang tính hình thức…
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2019 và những năm tiếp theo cần tiếp tục triển khai quyết liệt cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách tài chính công, tinh giản biên chế, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Tiếp tục triển khai quyết liệt cải cách thể chế
Để tạo đột phá mới về cải cách hành chính nhằm thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, quản lý công chức, viên chức; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản, không để phát sinh nợ đọng mới; cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; khắc phục, chấm dứt tình trạng giấy phép mẹ, giấy phép con; khẩn trương rà soát, công bố nhóm thủ tục hành chính liên thông.
Đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế. Khẩn trương hoàn thiện việc rà soát, đề xuất cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; thực hiện nghiêm quy định về cơ cấu, số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, trong đó sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; hoàn thiện khung khổ pháp luật cho xây dựng Chính phủ điện tử, nền tảng công nghệ và các cơ sở dữ liệu quốc gia... vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án cơ cấu Chính phủ mới cho nhiệm kỳ tiếp theo, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để đề xuất cơ cấu tổ chức Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo kế hoạch, đến tháng 5.2019, Chính phủ sẽ phát động phong trào thi đua về cải cách hành chính sâu rộng trên phạm vi cả nước, trong các cấp, các ngành, trọng tâm vào các vấn đề như: giải pháp về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; văn hóa công sở...
Theo Thế Vũ (CLO)