Xây dựng công trình, trồng cây trái phép trên đất nông nghiệp ở Hoài Nhơn: Cương quyết xử lý
Ở huyện Hoài Nhơn hiện có cả ngàn hộ dân xây dựng công trình, trồng cây lâm nghiệp bất hợp pháp trên đất nông nghiệp. Nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý đất đai, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và chính quyền các địa phương vào cuộc, xử lý kiên quyết các sai phạm này.
Nhiều diện tích cây lâm nghiệp và công trình nhà ở “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp ở thị trấn Bồng Sơn.
Từ việc xây cất công trình trái phép
Ông Phan Văn Quang, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Nhơn, cho biết kết quả kiểm tra, toàn huyện xảy ra 1.097 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; trong đó có 921 trường hợp vi phạm qua xác minh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan chức năng phê duyệt, 176 trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Hoài Đức, Hoài Thanh Tây, Hoài Tân, Hoài Châu Bắc.
Trao đổi với PV, ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay: Số trường hợp xây cất công trình trái phép trên đất nông nghiệp ở các xã, thị trấn xảy ra khá nhiều, chủ yếu diễn ra giai đoạn trước năm 2014. Điều này cho thấy, công tác quản lý nhà nước về đất đai ở chính quyền cấp cơ sở chưa chặt chẽ, buông lỏng.
Trước tình hình này, UBND huyện Hoài Nhơn đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết. Theo ông Thương, trước mắt, tỉnh chỉ đạo đối với những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp trước năm 2014 và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất thì lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Những trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì vận động người dân tự giác tháo dỡ, nếu không chấp hành thì lập thủ tục cưỡng chế.
“Huyện đã thành lập tổ kiểm tra để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc xây dựng công trình, chủ yếu là nhà ở trên đất nông nghiệp và thực hiện chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính tại các xã, thị trấn. Thông qua kế hoạch kiểm tra, Tổ công tác có nhiệm vụ đề xuất Chủ tịch huyện xử lý các địa phương, cán bộ, công chức không chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của huyện. Song song với công tác này, huyện cũng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và có hướng xử lý theo quy định đối với lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm hoặc xây cất nhà trái phép trên đất nông nghiệp”, ông Thương nhấn mạnh.
Đến trồng cây lâm nghiệp bất hợp pháp
Ngoài vi phạm trong lĩnh vực đất đai, những năm gần đây, tại huyện Hoài Nhơn còn nổi lên hiện tượng người dân ồ ạt trồng cây lâm nghiệp (chủ yếu là cây keo) trên đất nông nghiệp. Qua thống kê, toàn huyện hiện có 65 trường hợp vi phạm với tổng diện tích gần 100 ha. Số vụ vi phạm tập trung nhiều ở xã Hoài Thanh (30 trường hợp), Hoài Hảo (20) và thị trấn Bồng Sơn (15).
Đa phần người vi phạm cho rằng việc trồng cây keo trên đất nông nghiệp là sai mục đích sử dụng đất, nhưng do diện tích đất này nằm ở vùng thiếu nước tưới, cằn cỗi nên không trồng được hoa màu hoặc lúa. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện Hoài Nhơn, việc người dân ồ ạt trồng cây keo trên đất nông nghiệp dẫn tới phá vỡ quy hoạch sử dụng đất. Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt, kiểm tra và phải xử lý cương quyết.
Về hướng xử lý, ông Phan Văn Quang, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Nhơn, khẳng định: “Huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn để xảy ra tình trạng người dân trồng cây lâm nghiệp trái phép trên đất nông nghiệp cam kết sau chu kỳ khai thác không được phép trồng trở lại. Những diện tích đất nông nghiệp nằm trong diện thiếu nước tưới, không có khả năng sản xuất lúa, hoa màu, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê và báo cáo UBND huyện xem xét, đề nghị UBND tỉnh cho chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp”.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), quan ngại: “Việc người dân trồng cây keo trên đất nông nghiệp sai quy định đã đành. Nhưng lo nhất là cây keo khi cao lớn, khép tán, che phủ ánh nắng mặt trời, làm những loại cây ở phía dưới không thể quang hợp. Lá keo chứa chất dầu, khi rụng xuống đất sẽ khiến các loại cây, cỏ bị chết sạch. Rễ keo hút chất dinh dưỡng trong đất, làm đất bạc màu, khô cứng, phá hủy kết cấu đất sau này rất khó để trồng các loại cây hoa màu hoặc trồng lúa”.
TRỌNG LỢI