Tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36%: Cùng nhau “thắt lưng buộc bụng”
Với lý do để bù đắp chi phí sản xuất, ngành điện đã tăng giá điện bán lẻ bình quân lên 8,36% từ ngày 20.3.2019. Giá điện tăng đang tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và đời sống người dân, doanh nghiệp.
Ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) cho biết, có hơn 423 ngàn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh chịu tác động từ đợt tăng giá điện từ 1.720,65 đồng/kWh vọt lên 1.864,04 đồng/kWh.
Đầu tháng xăng tăng, cuối tháng điện tăng
Thông tin giá điện tăng 8,36% khiến DN lo lắng, đặc biệt là các DN có nhu cầu sử dụng điện lớn. Không chỉ chịu tác động trực tiếp từ giá điện, các DN còn lo ngại hệ lụy chi phí liên quan, khiến sức cạnh tranh bị suy giảm bởi quy mô của các DN trong tỉnh hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ.
Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn tránh hoạt động giờ cao điểm để ứng phó với tăng giá điện.
Giá điện tăng, trước tiên gây khó khăn rất lớn cho các DN của ngành thủy sản, vì nhóm DN này sử dụng lượng điện rất lớn trong chế biến, bảo quản. Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn cho biết, tăng giá điện ảnh hưởng đến tất cả các kế hoạch sản xuất, chi phí đội lên không nhỏ, kéo theo giá thành tăng cao. “Công ty tôi có 2 nhà máy chế biến thủy sản và 9 kho lạnh bảo quản sản phẩm hoạt động liên tục, mỗi năm tiêu tốn khoảng 3,7 - 3,9 tỉ đồng tiền điện; với giá điện tăng như hiện nay tiền điện “đội” thêm hơn 330 triệu đồng/năm. Giá các đơn hàng xuất khẩu thủy sản cạnh tranh nhau từng chút một, nên không thể nói đơn giản là chi phí tăng nên tôi tăng giá bán”, ông Sơn phân tích.
Nhiều DN ngành gỗ cho biết đã áp dụng mọi biện pháp để cắt giảm chi phí sản xuất, trong đó có cả tiết kiệm điện, nhưng giá điện tăng cao gây khó khăn rất lớn cho sản xuất. Lãnh đạo một DN chế biến đồ gỗ tại Khu công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn) nhìn nhận, dù kế hoạch tăng ca sản xuất vào giờ thấp điểm để giảm chi phí đã được tính tới, nhưng giá bán sản phẩm chắc chắn sẽ tăng ít nhất 5%. DN phải bù lỗ cho các đơn hàng đã chốt giá do hợp đồng đã ký.
Với Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định, chi phí điện năng chiếm khoảng 3% cơ cấu chi phí sản xuất của DN. Riêng dây chuyền đông khô tiêu thụ nhiều điện nhất, để hoàn thành một mẻ thuốc đông khô 6.000 - 10.000 lọ, cả hệ thống phải vận hành liên tục 72 tiếng đồng hồ, điện tiêu thụ mỗi giờ 100 - 120 KW, đẩy giá thành thuốc tăng lên bình quân 2.000 đồng/lọ. “Trước khi giá điện tăng, từ đầu tháng 3, giá xăng dầu đã tăng khá nhiều. Mọi thứ khiến chi phí sản xuất cứ thế đội thêm, trong khi giá thuốc đấu thầu 2 năm/lần không thể điều chỉnh được, DN đang ở vào tình thế khó”, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty cho hay.
Kiềm chế CPI, kiểm soát lạm phát
Việc tăng giá điện tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nỗi lo giá hàng hóa, dịch vụ “té nước theo mưa” đã thành hình. Ông Hồ Quang Thịnh thừa nhận: PC Bình Định đã triển khai điều chỉnh tăng giá điện từ ngày 20.3.2019; chốt chỉ số công tơ các khách hàng không phải là khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt, thông báo bằng tin nhắn SMS, email… Rõ ràng, giá điện tăng tác động đến chi phí đầu tư sản xuất nên hàng hóa, dịch vụ khác tăng giá là điều không thể tránh khỏi.
Theo Cục Thống kê tỉnh, điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá gas đầu tháng 3 vừa qua đã tác động trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Điện là yếu tố đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất và sinh hoạt, tăng giá điện tác động trực tiếp đến tăng chỉ số CPI và chỉ số giá sản xuất, dự kiến mức tăng CPI cả năm 3,2 - 3,6%.
“Dù vẫn đảm bảo mục tiêu CPI được Quốc hội thông qua là dưới 4%, nhưng để kiềm chế tăng chỉ số giá CPI, cần thiết có sự điều hành chỉ đạo của tỉnh trong kiểm tra chặt chẽ giá cả, cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để lợi dụng tăng giá điện để gây sốt giá, tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, cần có kiến nghị Chính phủ, liên Bộ Tài chính và Công Thương không điều chỉnh tăng giá xăng dầu, gas để kiềm chế tăng CPI, tránh lạm phát”, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Thị Mỹ cho hay.
Theo Sở Công Thương, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu đầu tháng 3.2019 (giá bán lẻ xăng A95 và xăng E5 tăng bình quân 940 đồng/lít, dầu diezen tăng bình quân 960 đồng/lít, dầu hỏa tăng bình quân 700 đồng/lít), đến 20.3.2019 tiếp tục tăng giá điện bán lẻ bình quân lên 8,36% đã ảnh hưởng trực tiếp hầu hết đến các ngành sản xuất, đẩy chỉ số giá sản xuất lên. Và một khi những yếu tố cấu thành giá thành sản phẩm hàng hóa tăng, giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ tăng, tác động lên các mặt đời sống KT-XH.
MAI HOÀNG