Hướng đến giảm tàu khai thác thủy sản ven bờ: Còn nhiều khó khăn
Ðịnh hướng phát triển ngành thủy sản của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030 là phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa; tiếp tục giảm dần số lượng tàu cá công suất nhỏ, khai thác ven bờ. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) ra đời là bước ngoặt quan trọng chuyển đổi từ “nghề cá nhân dân” sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu hội nhập, góp phần khắc phục “thẻ vàng” Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo với thủy sản Việt Nam về các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, theo quy định (IUU). Qua đó, nhằm kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản (KTTS), quản lý và phát triển nghề biển bền vững.
Thuyền nghề mành rút trủ của ngư dân xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) khai thác thủy sản gần bờ.
Để đáp ứng, ngành Thủy sản tỉnh ta đã chú trọng thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá nhằm hạn chế phát triển tàu KTTS ven bờ, trong đó, không cấp giấy phép cho tàu hành nghề giã cào; quản lý chặt việc cấp phép đóng mới tàu cá, số lượng tàu cá đã được chuyển nhượng… nhằm giữ ổn định số lượng tàu cá của tỉnh theo quy hoạch tổng thể đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: “Hiện, toàn tỉnh có 6.232 tàu cá, tổng công suất trên 1,8 triệu CV. Tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có 3.038 chiếc hoạt động vùng khơi. Tàu từ 12 - 15 m hoạt động vùng lộng là 1.388 chiếc. Tàu cá dưới 12 m hoạt động ven bờ có 1.806 chiếc. Số lượng tàu cá hiện có cơ bản đã đáp ứng theo định hướng quy hoạch của tỉnh. Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng số tàu thuyền KTTS toàn tỉnh 7.300 chiếc - với 800 thuyền thủ công, 6.500 tàu lắp máy. Đồng thời tỉnh ta tiếp tục giảm số tàu thuyền KTTS ven bờ xuống”.
Việc thiếu lao động nghề biển, cộng với nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng giảm là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nghề KTTS ven bờ gặp khó. Ngư dân Nguyễn Quen, ở xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), chủ tàu cá công suất 200 CV làm nghề lưới vây KTTS gần bờ, chia sẻ: “Những năm gần đây, sản lượng thủy sản gần bờ đánh bắt ít đạt, ra khơi hay bị lỗ tổn nên việc tìm bạn đi biển rất khó khăn. Dù cho có vốn đầu tư đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa thì nỗi trăn trở của các chủ tàu là thiếu lao động nghề biển!”.
Việc kiểm soát nghề cá hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh, bảo đảm nghề cá phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững, góp phần nâng cao đời sống của ngư dân. Song, việc thực hiện sẽ gặp khó khăn.
Bởi để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sinh kế đòi hỏi qua nhiều công đoạn khảo sát, vận động, triển khai thực hiện. Ngư dân Nguyễn Đăng Lên, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá công suất 150 CV, làm nghề mành rút KTTS ven bờ, bộc bạch: “Quanh năm suốt tháng chúng tôi chỉ biết sống dựa vào biển, dù có chính sách hỗ trợ giảm tàu KTTS ven bờ thì ngư dân cũng sẽ gặp khó khăn lắm, bởi ảnh hưởng lớn đến đời sống”.
Thời gian qua, tỉnh ta triển khai thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu cá công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, vươn khơi xa khai thác hải sản. Công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, truy xuất nguồn gốc thủy sản được thực hiện thường xuyên… góp phần khắc phục cảnh báo của EC về IUU.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT thống kê lại số phương tiện hành nghề giã cào, các tàu KTTS gần bờ, xa bờ mà chưa đăng ký, đăng kiểm để kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá. Tuy nhiên, việc hỗ trợ ngư dân làm nghề KTTS gần bờ, xóa bỏ tàu thuyền không đúng thiết kế quy định, tàu thuyền hành nghề giã cào chưa thực hiện được do chưa có kinh phí hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. UBND tỉnh đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT có hướng hỗ trợ giải quyết nhưng đến nay Bộ vẫn chưa trả lời, UBND tỉnh đang tiếp tục tác động.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN