Pháp và Việt Nam hướng tới hợp tác thực chất hơn giữa các địa phương
Hợp tác Pháp-Việt phát triển theo hướng các địa phương Pháp cũng bắt đầu lắng nghe và học hỏi các kinh nghiệm thực tiễn từ Việt Nam.
Lãnh đạo các chính quyền địa phương Việt Nam và Pháp cho rằng, mối quan hệ hợp tác nhiều năm qua giữa hai bên cần được làm mới theo hướng thực chất và bền vững hơn, nhân Hội nghị hợp tác phi tập trung Pháp-Việt lần thứ 12 tại thành phố Toulouse.
Hội nghị hợp tác phi tập trung lần thứ 12 giữa Pháp và Việt Nam tại thành phố Toulouse (Pháp) đã kết thúc hai ngày làm việc với nhiều kết quả thu được qua các phiên thảo luận chuyên đề.
Lãnh đạo các địa phương của Việt Nam và Pháp ký kết hợp tác.
Đánh giá về hiệu quả của các phiên thảo luận giữa các chính quyền địa phương hai nước trong việc xác định hướng hợp tác mới bền vững hơn trong thời gian tới, ông Nicolas Wit, Phó Chủ tịch Cités Unies, tổ chức chuyên kết nối các địa phương giữa các quốc gia và cũng là đơn vị chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo của hội nghị lần này nhận định: “Ghi nhận tổng thể của hội nghị lần này, đó là các chủ đề được thảo luận rất đa dạng, thành phần tham dự cũng rất phong phú, từ các chính quyền địa phương, các thành phố cho đến các tổ chức và các mạng lưới. Nhận thức chung về thực chất, đó là Việt Nam đang ghi nhận một sự phát triển kinh tế theo mô hình dân chủ-xã hội và một quá trình đô thị hóa nhanh chóng”.
Ông Nicolas Wit cho rằng, từ nhận thức này, cộng với thực tế là trong những năm tới vẫn có khoảng 60% dân số Việt Nam sinh sống tại các khu vực nông thôn, việc hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp sẽ càng thiết thực hơn vì các địa phương Pháp, trong đó có nhiều tỉnh có khu vực nông thôn rộng lớn, có kinh nghiệm trong việc duy trì một sự phát triển cân bằng về kinh tế và xã hội.
Một trong các nhận thức mới được ghi nhận tại Hội nghị lần này, qua các phiên thảo luận, là đã có thay đổi trong việc nhìn nhận cách thức hợp tác giữa hai bên. Theo đó, hợp tác Pháp-Việt cần phát triển theo cả hai chiều, tức là phía các địa phương Pháp cũng bắt đầu cần lắng nghe và học hỏi các kinh nghiệm thực tiễn từ Việt Nam.
Một trong các ví dụ tiêu biểu cho sự thay đổi thực chất này, theo ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng vùng đô thị Toulouse, chính là việc năm nay lần đầu tiên có một Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức trong khuôn khổ một Hội nghị phi tập trung Pháp-Việt, do thành phố Hà Nội chủ trì.
Ông Dardelet nhận định, các địa phương hai nước Pháp-Việt ngày càng trở thành các chủ thể kinh tế quan trọng nên có tầm ảnh hưởng và vai trò lớn đối với các doanh nghiệp hai nước. Ông Dardelet cũng lấy quan hệ giữa Hà Nội và Toulouse là ví dụ tiêu biểu cho hợp tác giữa các địa phương Pháp-Việt, cả trong quá khứ lẫn trong việc đổi mới hướng tới tương lai.
“Hà Nội và Toulouse là các đầu tàu vì chúng tôi đưa các dự án trở thành thực tế, chúng tôi tạo ra các điều kiện thuận lợi. Thành công của Toulouse, cũng giống như Hà Nội. Đó là chúng tôi phát triển một tam giác mũi nhọn, gồm thứ nhất là một nền giáo dục có chất lượng cao của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trường đào tạo kỹ sư. Thứ hai là về nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ mới, y học, công nghiệp thực phẩm… và thứ ba là các lĩnh vực công nghiệp then chốt”, ông Dardelet nói.
Trong diễn đàn doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cũng đã giới thiệu các chính sách hấp dẫn mới của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đặc biệt về mặt thủ tục hành chính và trợ giúp pháp lý. Ông Nguyễn Đức Chung cũng gửi thông điệp chào đón các địa phương Pháp đến tìm cơ hội đầu tư tại Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt khi Hà Nội sẽ là chủ nhà của Hội nghị phi tập trung Pháp-Việt lần thứ 13, tổ chức vào năm 2022.
Kết thúc hai ngày Hội nghị tại Toulouse, đã có nhiều ký kết giữa các địa phương của Việt Nam như Hà Nội, Yên Bái, Thừa Thiên-Huế, Hải Dương… với các địa phương Pháp như Toulouse, Poitiers và Val de Marne./.
Theo Quang Dũng (VOV)