Chương trình quản lý tổng hợp đới bờ:
Đảm bảo bền vững các nguồn tài nguyên đới bờ
Chương trình quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) là tổ chức một hệ thống tổng hợp, chính thống để đảm bảo sự bền vững của các nguồn tài nguyên đới bờ, duy trì đa dạng sinh học, phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống các tai biến thiên nhiên. Sự thống nhất các hoạt động quản lý đới bờ rất cần thiết trong việc phòng chống sự suy thoái của các hệ sinh thái.
QLTHĐB và phòng chống thiên tai
Theo Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo, cần duy trì môi trường đới bờ với chất lượng cao nhất, xác định và bảo vệ các loài có giá trị, xác định và bảo tồn các sinh cảnh quan trọng; xác định các vùng đất thích hợp cho việc phát triển; giải quyết mâu thuẫn giữa các hoạt động tác động đến tài nguyên đới bờ và việc sử dụng không gian; xác định và kiểm soát các hoạt động gây tác hại lên môi trường đới bờ; kiểm soát ô nhiễm từ nguồn, từ dòng chảy tràn mặt và từ việc tràn hóa chất do sự cố; phục hồi các hệ sinh thái bị phá hủy.
Bên cạnh đó, điều phối các nỗ lực của chính quyền trong việc tăng cường sự phát triển bền vững các nguồn tài nguyên đới bờ; đảm bảo cân bằng áp lực kinh tế và môi trường đới bờ vì chúng tác động đến sự phát triển và bảo tồn các tài nguyên đới bờ; lập kế hoạch phát triển đới bờ; đưa ra các phương án phát triển đới bờ an toàn hơn; nâng cao nhận thức, phát triển cộng đồng.
Biện pháp phù hợp nhất đối với việc bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh thái chính là các biện pháp cần cho việc duy trì các hệ thống tự nhiên vốn có chống lại thiên tai (như bão, lũ, nước biển dâng, xói lở…). Các hoạt động của con người thường gây ra những thay đổi tại các vùng đất cần được bảo vệ như lấy cát từ bờ biển, làm suy thoái các rạn san hô, san phẳng các cồn cát, phá hủy rừng ngập mặn, do đó làm giảm khả năng tự bảo vệ của bờ biển. Nếu những đụn cát bị mất đi thì rủi ro đối với sự phát triển của vùng ven biển sau các đụn cát sẽ tăng rất nhanh. Tương tự, rừng ngập mặn đóng vai trò tiêu tán năng lượng sóng, giữ cho những vùng đất phía sau chúng khỏi bị xói mòn khi có bão. Giá trị mà những tài nguyên thiên nhiên này có trong việc ngăn ngừa thiên tai cho thấy cần phải xem xét chúng như những đối tượng quan trọng và phải đưa ra những biện pháp rất cứng rắn để bảo vệ chúng.
Trong thực tế một chương trình giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cần phải triển khai cùng với việc bảo tồn các sinh cảnh ven biển - lá chắn tự nhiên, ngăn cản các tác động của sóng, lũ và xói lở. Nhiều cộng đồng dân cư đã nhận thức được rằng cách tiếp cận quản lý tài nguyên và thiên tai như vậy làm đơn giản hóa quá trình quản lý đới bờ và giúp đưa ra các quyết định mang tính dự báo nhiều hơn về những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Ví dụ, việc lùi vào sâu trong đất liền để bảo vệ cộng đồng dân cư khỏi sự xói lở bờ biển và sóng, bão có thể lại bảo tồn được rùa biển sinh nở ở vùng đó. Tương tự, những quy định khắt khe trong phân vùng liên quan đến phát triển các đầm ngập mặn không chỉ bảo tồn được các tài nguyên có giá trị về mặt kinh tế, mà còn giúp duy trì các rào cản tự nhiên chống lại sóng, bão. Một bờ biển hoặc một công viên san hô có thể bảo vệ vùng tự nhiên này khỏi tác động của cả thiên tai lẫn sự suy giảm tài nguyên thủy sinh. Như vậy, cách tiếp cận đơn giản và hiệu quả để phòng chống thiên tai là kết hợp mối quan tâm ngăn ngừa thiên tai với quản lý tài nguyên và môi trường. Một số quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm cách tiếp cận kết hợp này thông qua các chương trình QLTHĐB, đáp ứng được cả hai mục tiêu cùng một lúc.
Tăng cường bảo vệ tài nguyên sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu
Từ nhiều năm qua, tỉnh Bình Định đã dành nhiều sự quan tâm cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ, tái tạo hệ sinh thái đới bờ trước sự tàn phá của thiên tai và trong quá trình phát triển kinh tế. Nhiều hoạt động bảo vệ tài nguyên sinh thái được triển khai ở các vùng đầm, phá lớn trong tỉnh, như đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, đầm Châu Trúc, gắn với các mô hình quản lý cộng đồng, trồng rừng ngập mặn, đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Bình Định với sự tài trợ, giúp đỡ của nhiều tổ chức nước ngoài có liên quan đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình, dự án cụ thể, thiết thực nhằm ứng phó có hiệu quả với BĐKH. Tổ chức các hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH; quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng. Lập kế hoạch thích ứng với BĐKH cho 2 phường, xã thí điểm của TP Quy Nhơn. Xây dựng bộ chỉ số chống chịu với BĐKH cho 3 ngành/hệ thống (Du lịch, Thủy sản, Rừng ngập mặn). Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về BĐKH. Tiến hành nghiên cứu lồng ghép thích ứng với BĐKH vào kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển của tỉnh - thí điểm khu vực đầm Thị Nại.
Tổ chức đánh giá hiểm họa, khả năng và tình trạng dễ bị tổn thương do BĐKH tại phường Nhơn Bình và xã Nhơn Lý - TP Quy Nhơn. Đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH, xây dựng các kịch bản BĐKH, kịch bản nước biển dâng cho TP Quy Nhơn. Tập huấn nâng cao năng lực về quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng và thích ứng với BĐKH cho 21 phường, xã của TP Quy Nhơn. Thực hiện các tiểu dự án thí điểm thích ứng với BĐKH (trồng rừng ngập mặn tại đầm Thị Nại; nâng cao nhận thức về áp dụng kỹ thuật xây dựng nhà phòng chống lụt bão (PCLB) và xây dựng mô hình nhà ở PCLB tại xã Nhơn Lý và phường Nhơn Bình).
Tổ chức đánh giá tính dễ bị tổn thương tại xã Phước Thuận - huyện Tuy Phước và đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH. Tập huấn phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng. Hỗ trợ một số dụng cụ PCLB và tìm kiếm cứu nạn cho tổ xung kích tại 4 thôn của xã Phước Thuận. Hỗ trợ kinh phí cho Quỹ phòng chống thiên tai của xã Phước Thuận. Khảo sát, phân tích lụt 2009. Xây dựng mô hình thủy văn, thủy lực và bản đồ ngập lụt. Đánh giá tác động qua lại của BĐKH và quy hoạch phát triển đô thị. Đề xuất khuyến nghị cho quy hoạch phát triển đô thị phường Nhơn Bình trong bối cảnh BĐKH, cùng rất nhiều hoạt động thuộc các chương trình, dự án về BĐKH đã và đang thực hiện tại TP Quy Nhơn.
NGUYÊN VŨ