Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số: Linh động với nhiều cách làm
Theo Ðề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, các địa phương được phép linh động sáng tạo nhiều cách làm phù hợp với thực tế địa phương.
Các bé Trường mầm non Vĩnh Thuận được cô dạy chào hỏi bằng tiếng Việt.
Trò chuyện bằng tiếng Việt
Đến thăm Trường mầm non Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh), sân trường xanh mát với nhiều cây xanh, giữa khoảng sân, nhà trường bố trí ngôi nhà phỏng theo nhà sàn của người Bana để các em vui chơi học tập. Trong lớp, các bé bập bẹ tập nói tiếng Việt, các bạn lớn hơn đã có thể hát và chào hỏi bằng tiếng Việt. Thử trò chuyện với bé Bảo Quỳnh (2 tuổi), tôi thấy vui vì cháu hiểu và trả lời khá rõ ràng các câu hỏi của tôi. Bảo Quỳnh tự giới thiệu: “Con tên là Bảo Quỳnh. Con 2 tuổi. Mẹ con ở nhà chăm em, con thương bà ngoại lắm”. Đến tầm 10 giờ 30 phút, sau khi vui chơi, nhảy múa xong, bé Hằng (6 tuổi) vừa thở vừa chủ động bắt chuyện với tôi: “Đến lớp con rất vui. Con thích chạy nhảy với các bạn. Con thích hát bài Ba thương con nhất”. Hóa ra không chỉ biết nói và giao tiếp đơn giản bằng tiếng Việt, nhiều cháu bé ở trường mầm non Vĩnh Thuận còn biết hát và hát khá hay nhiều bài hát tiếng Việt.
“Mặc dù Vân Canh được đánh giá tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non khá tốt, dù vậy, không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi tiếp tục đổi mới cách làm giúp hoạt động gần gũi với phụ huynh hơn. Thông qua đó, nâng cao nhận thức của phụ huynh đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của phụ huynh để việc tăng cường tiếng Việt hiệu quả hơn nhưng vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ông PHẠM MINH CHẤN - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh
Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Vĩnh Thuận, chia sẻ: “Trường hiện có 143 học sinh, trong đó học sinh là người dân tộc thiểu số là 134 em, chủ yếu là người Bana. Hiện trường không còn dạy tiếng Việt theo tiết như trước mà dạy mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động học tập, vui chơi. Nhà báo có thể trò chuyện với bất kỳ bé nào đấy. Không chỉ thoải mái giao tiếp mà nhờ thành thạo tiếng Việt, các cháu trở nên dạn dĩ và chủ động trong giao tiếp hơn”.
Giống như nhiều trường mầm non khác ở huyện Vĩnh Thạnh, tại các huyện Vân Canh và An Lão, khi hỏi thăm về vấn đề tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non, các cô chỉ cười bảo mọi người cứ trò chuyện tự nhiên với các cháu để biết cách làm mới hiệu quả đến đâu. “Nếu trước đây, gần như các bé chỉ nói một ít tiếng Việt trong giờ học chuyên biệt thì từ khi thí điểm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non theo Đề án, không chỉ trong giờ học các cháu mới giao tiếp bằng tiếng Việt với các cô, mà ngay cả trong lúc sinh hoạt, ra chơi, ăn uống các cháu cũng sử dụng tiếng Việt” - cô Lỡ Thị Thúy Lan, chuyên viên phụ trách mầm non Phòng GD&ĐT huyện An Lão cho biết.
Linh hoạt cách làm
Trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, những trường mầm non bán trú có điều kiện thuận lợi hơn. Ở An Lão, hiện có 7 xã có trường mầm non bán trú, chỉ còn lại xã An Toàn và xã An Nghĩa vì nhiều điểm lẻ, học sinh ít tập trung nên chưa thể mở bán trú. Ở Vân Canh, 100% các xã đã có trường mầm non bán trú... Theo các giáo viên dạy bán trú, học sinh có thời gian tiếp xúc với giáo viên nhiều hơn, nên việc tăng cường tiếng Việt thuận lợi hơn.
Là ngôi trường có đông học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, các cô giáo Trường mầm non Vĩnh Thuận cho rằng việc các em đến lớp đều, đúng độ tuổi đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. “Khi sự quan tâm của phụ huynh về việc đưa con đến lớp đúng độ tuổi chưa đúng mức, chúng tôi nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền và các hội, đoàn thể của địa phương, của trưởng làng để khuyến khích động viên phụ huynh đưa trẻ đến trường. Lâu dần, trường trở thành ngôi nhà thứ 2 của trẻ em và việc tăng cường tiếng Việt thuận lợi hơn rất nhiều” - cô Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Bên cạnh đó, tại mỗi địa phương còn có những cách làm khác nhau như ở huyện Hoài Ân, An Lão thường xuyên tổ chức giao lưu tiếng Việt cấp trường, cấp huyện giúp các em dạn dĩ, tự tin trong giao tiếp. Chị Lỡ Thị Thúy Lan cho biết thêm: “Trước khi vào năm học mới, Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn cho giáo viên về việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh, tạo môi trường học tập cho trẻ. Vào năm học, các trường, phòng GD&ĐT tổ chức hội thi giao lưu tiếng Việt. Đồng thời, thông qua các dịp lễ, tết, trường tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như gói bánh chưng, bánh tét, thi múa hát, kể chuyện... Trong tất cả hoạt động trường đều mời phụ huynh tham gia để phụ huynh nhận thấy lợi ích việc tăng cường tiếng Việt cho con em, từ đó phụ huynh sẽ là người đồng hành cùng với nhà trường trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ”.
THẢO KHUY