Hoạt động KH&CN cấp huyện năm 2018: Nhìn từ một số điểm sáng
Nhờ ứng dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT trong sản xuất, đời sống và đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ, trong năm 2018, ba địa phương trong tỉnh là Hoài Nhơn, Phù Cát và An Lão đã trở thành những điểm sáng trong hoạt động KH&CN cấp huyện.
Cây bưởi da xanh sinh trưởng tốt tại trang trại 20 ha của ông Hồ Nhất Cẩn ở huyện Hoài Nhơn. Ảnh: TÙNG LỘC
Nhiều ứng dụng hiệu quả
Từ nguồn kinh phí KH&CN năm 2018, UBND các huyện đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước như huyện Hoài Nhơn ứng dụng công nghệ lắp đặt Hệ thống thiết bị phục vụ hội nghị giao ban trực tuyến, trang bị phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp cho 6 phòng ban; huyện Phù Cát xây dựng Sổ theo dõi điện tử cho bộ phận một cửa; sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hệ thống thư điện tử, triển khai văn phòng điện tử liên thông đến cấp xã, thị trấn.
Năm qua, các huyện đã ứng dụng tiến bộ KHKT vào lao động, sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập và đời sống. Huyện An Lão đưa vào sản xuất giống dâu tằm S7 phục vụ cho nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương; một số xã trong huyện An Lão triển khai những mô hình mới phù hợp với điều kiện thực tế như mô hình “Nuôi heo đen” ở xã An Trung, xã An Dũng, mô hình “Nuôi gà thả đồi” ở xã An Trung...
Trong khi đó, huyện Phù Cát nỗ lực hỗ trợ DN tiếp cận và ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị vào sản xuất thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, chẳng hạn đề tài “Chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo” quy mô hộ cá thể tại xã Cát Chánh. Huyện cũng tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Sử dụng chế phẩm vi sinh Bidi - Imo xử lý mùi hôi trong chăn nuôi” quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện nhằm xử lý triệt để mùi hôi trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường khu dân cư.
Huyện Hoài Nhơn tiếp tục thực hiện mô hình trồng, thâm canh cây bưởi da xanh trên địa bàn huyện Hoài Nhơn giai đoạn 2017 - 2020 theo quy hoạch vùng. Qua ghi nhận, cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt và bắt đầu phân cành.
Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ
Song song với nỗ lực nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của sản phẩm, các huyện đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ bằng cách rà soát những mặt hàng đặc trưng của địa phương và đưa vào danh mục để từng bước xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết, trong năm 2018, huyện đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Đề Gi cho các chủ thể đáp ứng được điều kiện sử dụng nhãn hiệu, hướng dẫn chuyên môn về đăng ký công bố chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hình thức bao bì và giới thiệu sản phẩm “Nước mắm Đề Gi” đến với thị trường tại Hội chợ xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức vào cuối năm 2018.
Cùng với Phù Cát, huyện An Lão đã phối hợp với Sở KH&CN xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Chè tiến vua An Toàn - An Lão”. Hoài Nhơn thì hướng dẫn các DN, hộ kinh doanh đăng ký tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018; đồng thời, tích cực trong công tác xác lập, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của huyện gắn với chỉ dẫn địa danh nhằm thúc đẩy phát triển, duy trì làng nghề, sản phẩm truyền thống.
ThS Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các địa phương trong tỉnh đều nỗ lực đẩy mạnh hoạt động KH&CN. Trong đó, có thể xem 3 huyện Phù Cát, Hoài Nhơn và An Lão là những điểm sáng, các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai trên địa bàn 3 huyện này hầu hết đã mang lại hiệu quả rõ rệt về năng suất, chất lượng, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân”.
KHÁNH HUÂN