Nghiên cứu thực nghiệm việc sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm cá dìa bông: Giúp chủ động nguồn giống
Trước thực tế nguồn cá dìa giống tự nhiên tại địa phương ngày càng khan hiếm, kỹ sư Phan Thanh Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp (Sở NN&PTNT) cùng nhóm nghiên cứu đã ấp ủ mong muốn xây dựng một quy trình sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm cá dìa bông.
Ông Ngô Văn Tiền - chủ hộ nuôi cá dìa ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và cá thương phẩm thu hoạch được sau 4 tháng nuôi thử nghiệm.
Cá dìa bông là loài cá nước lợ - mặn, có giá trị kinh tế khá cao. Khi còn nhỏ, cá sống chủ yếu ở vùng đầm phá, cửa sông; lúc trưởng thành thì di cư ra biển, tìm đến các ghềnh đá, bãi san hô... để sinh sản. Trong điều kiện nuôi nhốt, chúng có thể ăn thức ăn tổng hợp nên có thể nuôi ghép cá với tôm. Nghiên cứu của kỹ sư Phan Thanh Việt đặt ra 3 mục tiêu: Xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo; xây dựng quy trình ương cá dìa bột đến cá dìa giống; xây dựng quy trình nuôi cá dìa thương phẩm theo hình thức nuôi đơn và nuôi ghép.
Kỹ sư Việt và nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn cá bố mẹ từ các ao nuôi, lồng nuôi và cá câu tự nhiên từ đầm Thị Nại, xã Nhơn Hải và xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), đem về thực nghiệm sinh sản tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát). Sau thời gian thuần dưỡng và nuôi vỗ cá bố mẹ trong điều kiện nuôi nhốt, nhóm nghiên cứu đã cho cá dìa bố mẹ sinh sản nhân tạo và đạt kết quả tốt. Kích thước trứng cá dìa nhỏ hơn 0,46mm và nhỏ hơn so với trứng cá dìa cho sinh sản tại Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC/AQD) tại Iloilo - Philippine. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện tiêm kích dục tố HCG cho cá cái với liều lượng 2UI/g. Kết quả rất khả quan khi tỉ lệ cá cái ở các lứa đẻ sau khi tiêm liều thứ nhất luôn đạt 100%.
Nghiên cứu thực hiện quy trình ương cá giống thành hai giai đoạn: Giai đoạn cá bột 1 ngày tuổi đến cá hương 60 ngày tuổi và giai đoạn cá hương 60 ngày tuổi đến cá giống 120 ngày tuổi. Giai đoạn ương cá bột 1 ngày tuổi đến cá hương 60 ngày tuổi là giai đoạn khó nhất. Trên thực tế thời gian đầu nghiên cứu, tỉ lệ sống của cá từ 1 đến 60 ngày tuổi chưa đến 1%. Dù vậy, sau rất nhiều nỗ lực cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia SEAFDEC/AQD, nhóm cũng thực hiện thành công và tăng tỉ lệ sống lên đến 3,11%. Kỹ sư Việt cho biết, yếu tố tạo nên sự thành công này là tìm được nguồn thức ăn tươi sống có kích cỡ nhỏ phù hợp với cỡ miệng của cá bột. Quá trình thực nghiệm quy trình nuôi ghép cá dìa với tôm tại một số hộ ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) cũng cho ra kết quả khá khả quan.
NGỌC NGA