Bàn về “thần tượng”
Mấy ngày gần đây, nhân các sự kiện liên quan đến một số hiện tượng mạng xã hội mà Khá Bảnh là một trường hợp tiêu biểu, người ta nói nhiều đến vấn đề thần tượng của giới trẻ hiện nay. Dưới góc nhìn ngôn ngữ, ta thử tìm hiểu “thần tượng” có nguồn gốc từ đâu và mang ý nghĩa gì?
Đây là một từ quen thuộc trong tiếng Việt. Những cách dùng như B là thần tượng của A (1) hoặc A thần tượng B (2) ta có thể bắt gặp thường xuyên trong đời sống ngôn ngữ. Về từ nguyên, “thần tượng” là môt từ Việt gốc Hán. Chữ “thần” trong tiếng Hán thuộc bộ kỳ, vào tiếng Việt được Việt hóa hoàn toàn, dùng với nghĩa như trong các từ vị thần, thần linh. Chữ “tượng” (bộ nhân) cũng tương tự, ngoài nghĩa “hình, dáng”, còn được sử dụng với nghĩa như trong pho tượng, tượng đồng. “Thần tượng” chính là “[pho] tượng [của một vị] thần”.
Như vậy, “thần tượng” vốn mang nghĩa gốc là nghĩa danh từ, chỉ sự vật là những pho tượng về các vị thần được dùng để thờ. Từ nghĩa này, nó phái sinh nghĩa “cái được tôn sùng” (trong cấu trúc 1), đồng thời còn chuyển loại mang thêm nghĩa động từ “tôn sùng một đối tượng nào đó” (cấu trúc 2). Diễn trình này như sau: tượng thần (nghĩa gốc) à cái được tôn sùng (nghĩa 1) à tôn sùng cái nào đó (nghĩa 2). Hiện nay, từ “thần tượng” chủ yếu được dùng với nghĩa phái sinh (1) và (2), nghĩa gốc của nó ít được dùng.
Rõ ràng, dù được dùng với nghĩa nào đi nữa, vấn đề cốt lõi của “thần tượng” là tính chất “tôn sùng”. Thần tượng vừa là đối tượng được tôn sùng, vừa là biểu hiện của sự tôn sùng đối với đối tượng đó. Và đối tượng này được xem như những vị thần dù trong thực tế, nó không phải là thần (mà chủ yếu là các ca sĩ, người mẫu và những người nổi tiếng khác). Đây là nội hàm của khái niệm “thần tượng”.
Quan sát cách mà một bộ phận giới trẻ “thần tượng” ai đó hiện nay, có thể thấy, nội hàm này được thể hiện rất rõ. Nhiều bạn trẻ đã “thần tượng” “thần tượng” của mình đến mức tôn sùng một cách thái quá. Cách “thần tượng” như những ngày qua rất đáng suy ngẫm.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ