“Để Khá “bảnh” ảnh hưởng đến trẻ em thì rất nguy hiểm”
“Nếu để những nhân vật xấu trong xã hội ảnh hưởng đến các cháu thì rất nguy hiểm, như Khá "bảnh" vừa rồi” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Trao đổi với báo chí trước thực trạng bạo lực học đường cũng như nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến học sinh, trẻ em, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì việc giáo dục, tuyên truyền trên lớp đối với học sinh được thực hiện nhiều năm qua và đã có quy định.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 4.4.
Trong các buổi chào cờ, sinh hoạt đoàn, đội hay trong các tiết học giáo dục công dân… cũng kết hợp giáo dục, tuyên truyền để học sinh “nói không” với bạo lực học đường, cũng như các biện pháp phòng tránh. Ngoài ra, các trường cũng cần tạo điều kiện để những bạn tốt trong lớp, những tấm gương tốt cảm hóa các cháu hơn là dùng hành chính đe dọa.
“Giáo dục phải làm gốc, đặc biệt với đối tượng yếu thế phải rất quan tâm. Còn đối với các cháu tạm gọi là cá biệt cũng phải quan tâm để giáo dưỡng để các cháu biết được bạo lực học đường là không tốt, thậm chí gây như thế là phạm pháp, để làm sao nhắc nhở các cháu” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói và cho biết, việc giáo dục cần nhẹ nhàng, trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm quan trọng.
Tăng cường kỹ năng phòng tránh xâm hại
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, những người nổi tiếng hay ngay cả những tấm gương học sinh ngoan, giỏi, ưu tú đến trường để tuyên truyền, kêu gọi “nói không” với bạo lực học đường là giải pháp tốt. Vì trẻ em chịu ảnh hưởng nhiều từ những tấm gương tốt, những thần tượng tốt.
"Nếu để những nhân vật xấu trong xã hội ảnh hưởng đến các cháu thì rất nguy hiểm, như Khá "bảnh" vừa rồi” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, tới đây sẽ có chỉ đạo tăng cường thêm nội dung, các tiết học có lồng ghép nội dung ngăn chặn bạo lực học đường và đẩy mạnh nội dung này trong nhà trường. Ngoài ra, còn đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các nhà trường.
"Chính sách hiện nay tương đối nhiều, quan trọng là làm sao để chính sách đi vào cuộc sống, người thực hiện, các nhà trường và địa phương phải đồng hành. Ngay cả báo chí nên tăng cường đưa những tấm gương tốt, cùng nhau lên án những thói hư tật xấu".
Đặc biệt, theo Bộ trưởng GD&ĐT, để tránh trẻ em bị xâm hại thì việc phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về kỹ năng phòng tránh là rất quan trọng. “Bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn tâm lý học đường nhưng nay phải tăng cường hướng dẫn các cháu để phòng tránh như các kỹ năng phòng ngừa ở nơi công cộng như thang máy, nhà vệ sinh công cộng... Tới đây sẽ chỉ đạo các sở, các trường đẩy mạnh, tăng cường việc giáo dục, phổ biến kỹ năng cho học sinh” – ông Nhạ nói./.
Theo PV (VOV.VN)