Ngành gỗ Bình Ðịnh & CPTPP: Thách thức mới, cơ hội mới
Với Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tỉnh Bình Ðịnh có 2 ngành hưởng lợi lớn là thủy sản và gỗ. Cùng với độ mở của thị trường, thêm nhiều thách thức mới đã xuất hiện, điểm đáng mừng là các DN ngành gỗ của tỉnh đã chủ động tiếp cận và hòa nhập.
Với CPTPP, ngành chế biến gỗ - lâm sản Bình Định sẽ có thêm nhiều cơ hội tốt để tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, qua đó tác động vào sự phát triển chung của kinh tế tỉnh. Từ trước khi CPTPP có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam (14.1.2019) nhiều DN đã chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh để đón đầu thị trường.
Cơ hội ngang bằng thách thức
Với Bình Định, ngành chế biến gỗ - lâm sản chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), năm 2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 423 triệu USD, chiếm khoảng 53% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh, tăng 6,2% so với năm 2017. Năm 2019, các DN chế biến gỗ - lâm sản Bình Định đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 430 - 440 triệu USD, tăng 4 – 6% so với 2018.
Xưởng sản xuất của Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt. Ảnh: TIẾN SỸ
Chia sẻ về điều này, bà Đồng Thị Ánh, Tổng Giám đốc Công ty CP PISICO Bình Định, cho biết: Với DN, 2 lợi thế đầu tiên khi xuất khẩu vào thị trường 10 nước trong CPTPP là hưởng ưu đãi về thuế quan và giá cả cạnh tranh. Để tăng cơ hội đưa sản phẩm vào thị trường của CPTPP, chúng tôi triển khai thực hiện mục tiêu hiện đại hóa sản xuất bằng việc đầu tư trang thiết bị; đa dạng hóa sản phẩm; chủ động về nguyên liệu nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ; đáp ứng yêu cầu về trình độ kỹ thuật của đội ngũ lao động… Trong năm 2019, PISICO tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tìm đối tác tốt để chủ động nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng có xuất xứ rõ ràng.
Năm 2018, tổng doanh thu của PISICO Bình Định là 1.999 tỉ đồng, đạt 149% kế hoạch; lợi nhuận 79 tỉ đồng, đạt 136% kế hoạch; tạo việc làm thường xuyên cho 387 người với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Theo bà Ánh, năm 2018 là năm mà hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay; năm 2019 đơn vị đặt mục tiêu tăng doanh thu lên 49% so với năm 2018, tăng lợi nhuận lên 80 tỉ đồng; tăng thu nhập cho người lao động…
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, để tiếp cận được cơ hội từ CPTPP, DN phải chủ động thay đổi, phát triển theo yêu cầu trong bối cảnh mới. Thực tế, CPTPP mang đến cho DN chế biến gỗ - lâm sản nhiều thuận lợi, song các rào cản về kỹ thuật cũng rất lớn, cơ hội ngang bằng với thách thức. Riêng với Tiến Đạt, DN tiếp tục việc nâng cao năng suất lao động, sản xuất; xây dựng kế hoạch sử dụng nguyên liệu bền vững; đảm bảo năng lực cung ứng đủ mạnh…
Tiến Đạt là một trong những DN tiên phong tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất cung ứng sản phẩm với 6 đơn vị khác của Việt Nam và hướng đến thị trường các nước Mỹ, Trung Quốc, Mexico.
Hay như Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, đại diện đơn vị này cũng cho biết đã sẵn sàng cho sân chơi CPTPP với những kế hoạch phát triển phù hợp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Không chỉ có ông Đỗ Xuân Lập, nhiều nhà chuyên môn, đại diện các cơ quan quản lý, cũng có nhận định, với CPTPP, cơ hội và thách thức là ngang bằng. Tuy nhiên, cùng với nhận định này, các chuyên gia cũng rất hào hứng khi đánh giá, nếu nỗ lực phát triển, thích ứng được với bối cảnh thị trường mới, chắc chắn các DN sẽ bước sang một thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.
Theo FPA Bình Định, cái khó của ngành gỗ Bình Định là các DN trong ngành đều nhỏ và vừa, để vượt qua được hàng rào kỹ thuật từ các nước CPTPP, nỗ lực là rất lớn. Với năng lực sẵn có, các DN tầm cỡ như Tổng công ty CP PISICO, Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành… sẽ có thuận lợi hơn, đảm bảo năng lực để tham gia vào “sân chơi” CPTPP. Bên cạnh sự chủ động của DN, FPA Bình Định đồng hành cùng DN trong quá trình tiếp cận CPTPP bằng việc mở các hội thảo, các khóa tập huấn, tổ chức tư vấn, cung cấp thông tin phù hợp với nhu cầu của DN.
Theo bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thời gian tới Sở sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các DN chế biến gỗ - lâm sản; mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho DN để phù hợp với yêu cầu xuất khẩu từ các nước trong CPTPP.
Trong Chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ chú trọng chỉ đạo việc xây dựng và phát triển nguyên liệu rừng trồng. Trong đó, tỉnh Bình Ðịnh được đánh giá là điểm sáng về việc phát triển rừng nguyên liệu bền vững có chứng chỉ theo quy định quốc tế. Ðiều này sẽ góp phần tạo cơ hội cho DN gỗ Bình Ðịnh ổn định nguồn nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh với các đối tác trong “sân chơi” CPTPP.
Toàn tỉnh hiện có 10.115 ha rừng trồng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC và 29.353 ha rừng trồng của các DN đang trong quá trình phê duyệt cấp chứng chỉ FSC.
THU DỊU