Vui thôi, đừng quá trớn
Gần đây ở nhiều địa phương hay có việc cúng xóm, cúng thanh minh, kéo dài từ khoảng cuối tháng Giêng vắt sang tháng 3 âm lịch… Như ở Hoài Ân thì thường gọi là “cúng chòm”. Đây là dịp để bà con trong xóm, trong làng thắp nén hương tưởng nhớ những người đã khuất, đồng thời cầu chúc cho mọi người, mọi nhà yên vui, đoàn kết, trong năm mới gặp nhiều may mắn.
Sau phần lễ là phần tiệc, mọi người vui vẻ trò chuyện, chúc tụng nhau, cuộc vui tưng bừng và kéo dài bởi có dàn karaoke di động để những giọng ca “cây nhà lá vườn” có dịp “trổ tài”. Thế là những bài hát cứ tiếp nối, tiếng nhạc ngày càng to và vang xa một vùng giữa đêm khuya. Cuộc vui thường kéo dài và gây phiền hà cho những người cần nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày lao động kế tiếp. Chưa hết, khi những ly bia, ly rượu cạn dần cũng là lúc những trách móc, giận hờn trong năm qua chưa nói giờ được bộc lộ. Lời qua tiếng lại, có người giận bỏ ra về, thậm chí cả to tiếng với nhau dẫn đến xô xát.
Những cuộc cúng xóm, cúng chòm kể trên khiến tôi nhớ lại những vụ việc đau lòng, đơn cử như cuối năm ngoái ở Tây Sơn, hàng xóm nhậu với nhau, xô xát dẫn đến tử vong; hay như đầu năm nay có trường hợp tương tự xảy ra tại xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân. Ban đầu, hoạt động cúng xóm, cúng chòm kể trên rất hay bởi nó gắn kết cộng đồng với nhau, chia sẻ những trăn trở trong cuộc sống và động viên con người ta hướng thiện. Nhưng thời gian gần đây có hai chuyện rất đáng suy nghĩ là tại những cuộc cúng như thế lượng rượu bia tiêu thụ rất nhiều, thứ đến là việc ca hát quá khuya làm ảnh hưởng đến người khác.
Thiết nghĩ trong tổ chức các hoạt động có tính cộng đồng như thế, một mặt rất cần sự có mặt, tham gia định hướng của thôn, khối phố; thứ đến là những người tham gia nên kiềm chế, tôn trọng nhau để hướng tới mục tiêu giữ gìn tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đoàn kết khu dân cư, tránh những sứt mẻ đáng tiếc.
PHẠM MINH TRUNG