Cần một bộ sách giáo khoa thống nhất áp dụng chung trong cả nước
Ngày 4.4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) hoạt động chuyên trách để thảo luận về các dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Đầu tư công sẽ trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu
Điều hành hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch QH: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, sau khi xem xét, nghiên cứu kết quả tiếp thu ý kiến của đại biểu QH tại Kỳ họp thứ 6 và ý kiến góp ý của nhân dân, Ủy ban Thường vụ QH đã cân nhắc và lựa chọn 3 dự án luật. Đây là ba dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và đại biểu Quốc hội với nhiều quy định mới, khó, phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân của pháp nhân thương mại đến hiệu quả quản lý, sử dụng đầu tư công và có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ ở nước ta. Do đó rất cần sự đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Sau khai mạc, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 10 Chương, 120 Điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục; nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có ý thức, phẩm chất, năng lực của công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng (Điều 9) và liên thông (Điều 10), làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn…
Thảo luận về quy định về sách giáo khoa tại Điều 32, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan điểm, việc quy định “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa tuân thủ theo quy định của pháp luật” và “Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn” là chưa phù hợp, cần thiết phải cân nhắc thật kỹ quy định này.
Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), thuật ngữ “sách giáo khoa” được hiểu là một loại sách chuẩn cho một môn học, ngành học. Yêu cầu chung đặt ra là kiến thức trong sách giáo khoa phải khoa học, chuẩn xác. Đặc biệt, sách giáo khoa ngoài việc cung cấp kiến thức còn phải có chiều sâu giáo dục hình thành nhân cách; thể hiện được định hướng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, yêu thương con người; phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc… để phát triển con người Việt Nam XHCN đúng hướng, đây thực sự là vấn đề quan trọng liên quan đến chiến lược đối với chủ nhân tương lai của đất nước.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, chỉ nên có 1 chương trình và 1 bộ sách giáo khoa thống nhất áp dụng chung trong cả nước. Cùng một địa phương mà mỗi trường giảng dạy một sách giáo khoa khác nhau là điều bất hợp lý. Bên cạnh đó, việc quy định "cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn" cũng còn mang tính hình thức. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thật thận trọng đối với nội dung này.
Theo Viết Hà (bienphong.com.vn)