Làm đường bê tông giao thông nông thôn ở các xã miền núi, vùng cao: Còn nhiều khó khăn
Làm đường bê tông giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nhằm hoàn thiện hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển KT - XH. Tuy nhiên, tại các xã miền núi, vùng cao, việc thực hiện tiêu chí này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ, tháo gỡ.
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở thôn 5, xã An Nghĩa (huyện An Lão) vừa được đúc bê tông.
Ông Đinh Văn Liên, Chủ tịch UBND xã An Nghĩa (An Lão), cho biết: Hiện tại, việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn thách thức trong thực hiện tiêu chí giao thông. Với địa hình là xã vùng cao có nhiều đồi núi quanh co, dân cư thưa thớt, khoảng cách giữa các làng, khu dân cư khá xa nên việc làm đường bê tông giao thông nông thôn rất nan giải. Đến nay, sau hơn 8 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn xã mới chỉ làm được 11 km đường bê tông, đạt 50% tổng chiều dài đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã.
“Làm đường bê tông giao thông nông thôn để tạo điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, phát triển kinh tế là mơ ước của mọi người dân nông thôn, nhất là ở các xã miền núi, vùng cao. Do đó, nếu cần hiến đất đai, cây cối, hoa màu để mở đường, nhân dân rất sẵn lòng hưởng ứng. Tuy nhiên, do người dân trên địa bàn xã sống không tập trung nên hầu hết các thôn, làng đều ít hộ dân, ít dân quá nên khi vận động đóng góp làm đường, mức đóng góp quá lớn, người dân không thể thực hiện được”, ông Liên tâm sự.
Trưởng thôn 5, xã An Nghĩa Đinh Văn Gờ than thở: Toàn thôn có 46 hộ gia đình với 149 nhân khẩu nhưng có đến 38 hộ thuộc diện nghèo nên việc vận động đóng góp tiền để chung sức làm đường giao thông nông thôn tại địa phương hết sức khó khăn. Do vậy, thời gian qua, mặc dù rất cố gắng nhưng thôn cũng chỉ thực hiện được hơn 1 km đường thôn, làng, còn lại hơn 2 km nữa chưa thể thực hiện được.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện An Lão, năm 2018, địa phương được tỉnh hỗ trợ hơn 2.826 tấn xi măng để thực hiện xây dựng hơn 15,2 km bê tông giao thông nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, các xã chỉ thực hiện được 41% khối lượng. Trong đó, xã An Trung hoàn thành 60,6% chiều dài các tuyến đường đăng ký, An Hòa 20%, An Tân 53%, An Vinh 87%, An Quang 36,6%...
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Thiếu vốn, không huy động được sức dân - đúng hơn là dân nghèo quá nên sức dân hạn chế- là nguyên nhân chính làm cho tiến độ thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại địa phương bị “nghẽn”. Với đặc thù là huyện miền núi, tỉ lệ hộ nghèo còn cao nên việc vận động nhân dân chung sức làm đường giao thông nông thôn còn rất hạn chế; trong khi đó nguồn vốn huy động hỗ trợ từ các DN gần như không có. Do vậy, kinh phí làm đường giao thông nông thôn còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh hàng năm.
An Lão chỉ là một ví dụ, tại huyện miền núi Vân Canh, việc làm đường bê tông giao thông cũng diễn ra rất chậm. Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Canh, cho hay: Trong năm qua, huyện đăng ký làm 9 km đường giao thông nông thôn, tuy nhiên, đến hết quý I/2019, các địa phương trên địa bàn huyện chỉ làm được 5 km. “Vấn đề khó khăn, vướng mắc lớn nhất của địa phương trong làm đường giao thông nông thôn vẫn là nguồn lực của địa phương không đảm bảo, trong khi đó hầu hết các tuyến đường dẫn vào các làng khá xa cần nguồn vốn lớn, trong khi đa số các hộ dân đều thuộc diện nghèo, khả năng đóng góp kinh phí hạn hẹp, dẫn đến không hoàn thành được mục tiêu đăng ký ban đầu”, ông Nam lý giải.
Ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Trong năm 2018, toàn tỉnh đăng ký thực hiện làm đường bê tông giao thông nông thôn khoảng 450 km, tuy nhiên, thực tế thực hiện chỉ đạt khoảng 70%. Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất đặt ra đối với làm đường giao thông nông thôn tại các địa phương miền núi, vùng cao là do các tuyến đường đều nằm ở các địa bàn hẻo lánh, xa trung tâm xã, rất thưa thớt dân cư, dẫn đến việc huy động sức dân đóng góp kinh phí làm đường gặp rất nhiều khó khăn. “Từ thực tế này, để hỗ trợ các xã đẩy mạnh việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đảm bảo đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ngoài việc hỗ trợ xi măng theo quy định thì cần hỗ trợ thêm kinh phí để giúp các xã miền núi, vùng cao”, ông Đức nói.
N. QUÝ