Cần phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá
Mấy năm gần đây, ngư dân tỉnh ta phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, khai thác sản lượng thủy sản đạt cao, song do khâu bảo quản sản phẩm chưa tốt nên chất lượng sản phẩm còn thấp, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao.
Tàu dịch vụ hậu cần cung cấp xăng dầu hoạt động tại cảng cá Quy Nhơn.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 6.232 tàu cá, tổng công suất trên 1,8 triệu CV; trong đó, có 4.426 tàu cá thuộc diện đăng kiểm và 1.806 tàu cá có chiều dài dưới 12 m hoạt động gần bờ. Đội tàu đông, nhưng đến nay mới chỉ có 88 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển (gọi tắt là tàu DVHC). Đã vậy, các tàu này chỉ đủ năng lực cung ứng dầu, nhớt, đá lạnh, nước uống và mua gom thủy sản… trên vùng biển ven bờ và vùng lộng.
Muốn đầu tư tàu DVHC thì ngư dân phải hướng đến nhiều nhóm khách hàng, nhiều vùng biển chứ không phải chỉ hướng đến ngư dân Bình Định, vùng biển Bình Định.
Ngư dân Nguyễn Văn Tênh, ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97939 TS, công suất 720 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng, chia sẻ: “Ở tỉnh ta, đến nay chưa có tàu DVHC đủ năng lực phục vụ các tàu đánh bắt xa bờ. Khi gặp luồng cá lớn, nếu không có tàu dịch vụ mua gom cá, cung ứng nhiên liệu, nhu yếu phẩm, ngư dân buộc phải quay về bờ, không thể tiếp tục đuổi theo đàn cá để khai thác tiếp vì thiếu nhiên liệu, lương thực, thực phẩm!”.
“Tại các tỉnh Tiền Giang, Bình Thuận… có rất nhiều tàu DVHC hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa. Tôi hay bán cá cho các tàu DVHC này. Có tàu DVHC phục vụ, ngư dân được tiếp tế nhu yếu phẩm, giúp giảm bớt chi phí nhiên liệu, tăng hiệu quả chuyến biển; mặt khác chủ đầu tư tàu DVHC cũng tìm thấy lợi ích của họ”- ngư dân Trần Đình Nguyên, ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 91018 TS, công suất 740 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng, phân tích.
Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, ông Trần Văn Chung, chủ tàu DVHC ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), bộc bạch: “Tàu của tôi chỉ phục vụ cung cấp nước, đá lạnh cho tàu cá khi cập cảng Tam Quan. Làm DVHC ở gần bờ còn có lãi, chứ vươn khơi theo tàu cá xa bờ thì thu không đủ bù chi, nên ngư dân không muốn đầu tư tàu DVHC xa bờ”.
Năm 2016, được vay vốn 17 tỉ đồng theo Nghị định 67 để đóng tàu DVHC vỏ thép, tuy nhiên, do hoạt động không đạt hiệu quả nên con tàu DVHC vỏ thép BĐ 99479 TS, công suất 880 CV của ông Nguyễn Đức Hưng, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đã nằm bờ. Ông Hưng thổ lộ: “Đầu năm 2018, tàu tôi hạ thủy và hoạt động, tuy nhiên, sau 3 chuyến đi biển, tôi thua lỗ hơn 500 triệu đồng bởi do hầm bảo quản sản phẩm trục trặc, hơn nữa tàu cá vỏ thép của ngư dân tỉnh ta bị hư hỏng nằm bờ hết nên tàu của tôi không mua được sản phẩm. Chúng tôi không thể tiếp cận các tàu vỏ gỗ bởi nếu cập vào tàu vỏ gỗ để mua sản phẩm thì khả năng gây hư hỏng tàu vỏ gỗ rất lớn, gây thiệt hại!”.
Ở góc nhìn nhiều chiều, một số chuyên gia của ngành thủy sản phân tích, vùng biển Bình Định không phải là ngư trường trọng điểm giàu nguồn lợi thủy sản để nhiều tàu cá tập trung đánh bắt như các tỉnh thành khác; nghề biển của ngư dân Bình Định chỉ tập trung các loại nghề, như: mành chụp, câu cá ngừ, lưới vây cá ngừ… bởi vậy ngư dân chỉ đầu tư phát triển tàu DVHC theo nhu cầu và lợi nhuận kinh tế. Như vậy muốn đầu tư tàu DVHC thì ngư dân phải hướng đến nhiều nhóm khách hàng, nhiều vùng biển chứ không phải chỉ hướng đến ngư dân Bình Định, vùng biển Bình Định.
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Nhà nước luôn có nhiều chính sách khuyến khích ngư dân phát triển nghề DVHC, nhưng ngư dân chỉ đầu tư khi tìm thấy lợi ích, lợi nhuận. Trong tương lai, cũng cần định hướng đào tạo nghề cho ngư dân để họ nhanh chóng làm chủ các thiết bị hiện đại; hình thành các tập đoàn nghề cá tiên tiến để DN đầu tư các con tàu hiện đại theo chuỗi liên kết đánh bắt - bảo quản sản phẩm - chế biến - đưa sản phẩm ra thị trường. Có như vậy, nghề biển mới phát triển bền vững, có trách nhiệm.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN