Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS: Rất cần đồng lòng, chung tay
Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS cần được thực hiện từng bước và năm sau đẩy mạnh hơn năm trước, cố gắng đạt hiệu quả tích cực, để tạo niềm tin cho cả xã hội.
Theo nhận định ghi trong Chỉ thị 51/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) ngày 13.3 về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến - “công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác hướng nghiệp dạy nghề trong các trường phổ thông chưa được chú trọng thường xuyên; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa đạt hiệu quả”.
Theo học các trường đào tạo nghề, học sinh được thực hành, trải nghiệm nhiều, ra trường sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của cơ sở tuyển dụng.
Tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh
Ông Đỗ Thành Việt, Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn chia sẻ, từ khi có chủ trương học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học nghề, được miễn học phí 100% nên số lượng học sinh nhập học nhiều hơn. Dầu vậy, do không mất phí nên cũng có khá nhiều em bỏ học giữa chừng. Bởi vậy, hằng năm học sinh hệ trung cấp tốt nghiệp ra trường còn khoảng 50 - 60% so với lúc nhập học. Bên cạnh đó, việc dễ dàng đậu vào các trường ĐH khiến nhiều em vẫn muốn vào ĐH; các em tốt nghiệp lớp 9 là 15 tuổi, học 2 năm trung cấp rồi ra trường vẫn chỉ mới 17 tuổi, ở lứa tuổi này, dù các em đã có bằng cấp, nghề nghiệp hẳn hoi nhưng nhiều DN vẫn e ngại, không muốn nhận người dưới 18 tuổi vào làm việc. Do vậy, tôi nghĩ các cấp, ngành có thẩm quyền cần can thiệp để học sinh, phụ huynh yên tâm sau khi ra trường có việc làm ngay.
Tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; thực hiện rà soát, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thực tế trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Để việc phân luồng, đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, Chỉ thị 51 nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động; tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; thực hiện rà soát, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thực tế trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Dù được vận động, động viên, tuyên truyền đã nhiều năm nhưng đến nay, tùy đặc thù mỗi địa phương, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Ở TP Quy Nhơn, tỉ lệ học sinh vào các trường công lập, công lập tự chủ chiếm khoảng 70%, các huyện đồng bằng chiếm khoảng 86% số học sinh tốt nghiệp THCS. Nhưng tâm lý muốn con mình học cho hết THPT và cố gắng chen vào ĐH bất chấp năng lực, sở trường của học sinh vẫn khá phổ biến.
Bởi xã hội ngày càng coi trọng thực chất, nghiêng về năng lực thực tế hay nói nôm na là “làm được việc” nên lượng cử nhân không thạo việc buộc phải đi học lại đang nhiều lên. Cảnh báo về hiện tượng này, theo ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cả các em và phụ huynh nên dung hòa giữa năng lực - sở thích - điều kiện của gia đình để có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với khả năng của mình.
Mưa dầm thấm lâu
Ông Lê Minh Tiến, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, cho biết: “Hàng năm, ngay từ đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo các trường tập trung triển khai công tác định hướng phân luồng học sinh theo năng lực học tập. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh hiểu được tầm quan trọng trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nhằm định hướng đúng cho tương lai các em sau này”.
Ở các huyện miền núi, số học sinh sau tốt nghiệp THCS đều được tuyển thẳng vào hệ công lập của THPT. Hơn nữa, ở các huyện miền núi, nhiều nơi cơ sở đào tạo nghề khá xa, trên địa bàn huyện lại ít có DN đến đầu tư tạo việc làm mới, nên học sinh phổ thông cũng e dè ngay cả khi muốn đi học nghề. Do vậy việc động viên, phân luồng học sinh theo năng lực học tập gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão chia sẻ, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là việc làm cần thiết, đặc biệt đối với huyện miền núi như An Lão, để các em sống được với nghề của mình. Tuy nhiên, khi tư vấn, hướng nghiệp cho các em, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn bởi các em không hình dung ra được hoạt động của DN là như thế nào, mình làm việc ở đó sẽ được những gì.
Không chỉ ở miền núi, ngay cả ở đồng bằng cũng có những khó khăn riêng. Nói về điều này, ông Lê Văn Bích, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Phù Mỹ, chia sẻ: Ở Phù Mỹ, đa số học sinh THCS muốn tiếp tục học THPT, còn lại những em vùng biển, không tiếp tục học THPT thì lại theo nghề biển của gia đình, những em khó khăn khác thì thường sớm vào làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Tôi cũng rất băn khoăn bởi nếu được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ bài bản, tương lai nghề nghiệp của các em sẽ có thêm cơ hội tốt, vững vàng. Vì vậy, mới đây huyện cũng đã tổ chức tập huấn cho các thầy cô để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả hơn!”.
Không dừng lại ở việc dạy hướng nghiệp cho học sinh, Trường THCS An Hòa (huyện An Lão) tổ chức buổi nói chuyện hàng tháng với học sinh lớp 9 về nghề nghiệp. Tại buổi nói chuyện, trường mời một số học sinh thành công, đang làm ở các DN để nói về thị trường lao động và yêu cầu của DN khi tuyển dụng. Đồng thời, ở những buổi họp phụ huynh, nhà trường tiếp tục nói chuyện với phụ huynh về định hướng nghề nghiệp cho con em.
THẢO KHUY