Đồng Sĩ Nguyên – Vị tướng kiệt xuất trên đường Trường Sơn huyền thoại
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (1923 - 2019) là một trong những danh tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, đặc biệt có công lao lớn đối với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn (Đường Hồ Chí Minh) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sĩ Nguyên (bên trái) cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường xây dựng cầu Thăng Long, ngày 5.11.1983. Ảnh: Xuân Lâm/ TTXVN.
Hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 – 19.5.2019), đồng thời để thêm một lần ghi nhớ công lao, thương tiếc vị danh tướng vừa qua đời (4.4.2019), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài viết: “Đồng Sĩ Nguyên - Vị tướng kiệt xuất trên đường Trường Sơn huyền thoại” của Tiến sĩ Trần Hữu Huy, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Lễ tuyên thệ vượt cung đường lửa - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm ATP. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN.
Đầu năm 1967, giữa lúc cuộc chiến tranh xâm lược đang leo lên nấc thang cao nhất, Mỹ tiếp tục ồ ạt đưa hàng chục vạn quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam, đồng thời tăng cường mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Đối với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Mỹ sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại tiến hành “chiến lược ngăn chặn” đánh phá ngày đêm hết sức ác liệt, xem đây là yếu tố mang tính quyết định đến cục diện chiến tranh. Chỉ tính trong mùa khô 1966 - 1967, không quân Mỹ đã tổ chức hơn 12.500 trận đánh phá toàn tuyến, chưa kể các cuộc hành quân bằng bộ binh, thám báo, biệt kích...
Trong khi đó, phương thức vận chuyển trên đường Trường Sơn của ta vẫn lấy tư tưởng “phòng tránh” là chủ yếu, tổ chức vận tải đơn thuần mà thiếu sự hỗ trợ tích cực của lực lượng chiến đấu bảo vệ, nên khi địch đánh phá, ta thường rơi vào thế bị động, chịu tổn thất.
Mặt khác, do chú trọng vận tải thô sơ, nhỏ lẻ, chưa nắm vững phương châm lấy vận tải cơ giới làm chủ yếu nên hàng hóa bị dồn đọng,kết quả vận chuyển chưa cao, trong khi nhu cầu về lực lượng, vật chất ở chiến trường miền Nam ngày càng lớn; tổ chức lãnh đạo, chỉ huy vẫn làm theo lối cũ, cồng kềnh qua nhiều cấp trung gian...
Để tăng cường công tác chỉ huy, nâng cao hiệu quả chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam, tháng 1-1967, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định giao Đại tá Đồng Sĩ Nguyên (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đặc trách Tổng cục Hậu cần tiền phương ở tuyến nam Quân khu 4) kiêm làm Tư lệnh Đoàn 559 (Đoàn Vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn). Quyết định lịch sử này đã làm thay đổi số phận một con người, từng bước tạo nên tên tuổi cho một danh tướng thời đại, đồng thời cũng góp phần mở ra những chiến tích kỳ vĩ của đường Trường Sơn huyền thoại.
Đoàn xe vận tải quân đội 559 đưa hàng hóa vào chiến trường, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Nghệ Tĩnh. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới (“nhập tuyến”), Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp dẫn các đoàn tiến hành khảo sát tình hình cầu đường và thế bố trí lực lượng toàn tuyến, đặc biệt là tại các địa bàn trọng yếu (nơi địch thường xuyên đánh phá). Sau những đợt khảo sát, với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, vị Tư lệnh đã đề xuất với Đảng ủy Đoàn 559 về một số giải pháp cơ bản mang tính định hướng lâu dài cho hoạt động vận tải trên đường Trường Sơn:
Một là, mọi lực lượng, phương thức vận tải trên đường Trường Sơn phải bỏ tư tưởng “phòng tránh” không phù hợp để chuyển hẳn sang lấy tư tưởng “tiến công” làm chủ đạo, lấy vận tải cơ giới là chính; cần nhìn nhận Trường Sơn thực sự là một chiến trường, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, từ đó thực hiện phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Tư tưởng “tiến công” ấy phải được quán triệt và vận dụng linh hoạt, cụ thể hóa đến từng lực lượng trên tuyến, nhất là đối với những binh chủng chủ yếu (cao xạ, công binh, vận tải).
Hai là, tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại chỗ để bảo vệ đội hình xe vượt trọng điểm. Tất cả phải chiến đấu hiệp đồng binh chủng, tất cả phải phục vụ theo những bánh xe lăn. Đây là hình thức tác chiến ở trình độ cao nhằm bảo đảm thắng lợi cho từng chuyến, từng đợt vận chuyển quy mô lớn. Để đạt được yêu cầu này, mỗi binh trạm vừa có nhiệm vụ phụ trách cung đường vận chuyển, nhưng đồng thời cũng phải thực sự trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu thực sự của bộ đội hợp thành, phải biết nắm vững và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào chiến đấu theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Ba là, tăng cường đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, làm tốt việc quán triệt, giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ác liệt vẫn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến; thường xuyên tổ chức thực hiện những chiến dịch vận tải “đột kích”hiệp đồng quy mô lớn tạo không khí thi đua sôi nổi trong khắp các đơn vị phục vụ chiến trường đánh to, thắng lớn.
11 giờ ngày 18.10.1983, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sĩ Nguyên (giữa, áo trắng, đội mũ) cùng các chuyên gia Liên Xô và người lao động Việt Nam thực hiện nghi thức vặn chiếc bu-loong cuối cùng trên công trường xây dựng cầu Thăng Long, nối liền 2 bờ Nam Bắc của công trình mang biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô này. Ảnh: Vũ Hanh/TTXVN.
Những giải pháp trên chính là sự vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam vào lĩnh vực vận tải quân sự, quan trọng nhất là tư tưởng tiến công, tư tưởng đánh tập trung, đánh tiêu diệt quy mô lớn. Đây là một nghệ thuật độc đáo, sáng tạo chưa từng có trong lịch sử quân đội ta, và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Lời giải cho sự phát triển của tuyến chi viện Trường Sơn được Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tìm ra ngay khi vừa “nhập tuyến”, khẳng định tài năng kiệt xuất của ông trong lĩnh vực do mình phụ trách. Những giải pháp ấy đã được Đảng ủy Đoàn 559 bổ sung, hoàn thiện, xây dựng thành một nghị quyết quan trọng, quán triệt ngay cho cán bộ các cấp học tập và tổ chức thực hiện.
Thực hiện phương châm chiến lược mới đề ra, từ ngày 23 – 25.3.1967, Bộ đội Trường Sơn tổ chức trận đánh hiệp đồng binh chủng chiến đấu đầu tiên (gồm bộ đội vận tải, cao xạ, công binh) nhằm giải tỏa đèo Cốc Mạc (cây số 70 - đường 128 Tây Trường Sơn). Trước sự đánh phá ác liệt của không quân địch, bộ đội cao xạ bố trí ngay sát trọng điểm anh dũng chiến đấu, giáng trả mãnh liệt, buộc máy bay địch phải lên cao, giảm hiệu quả đánh phá; tranh thủ thời gian, lực lượng công binh ào ra làm đường, san lấp hố bom; nắm bắt thời cơ, gần 200 xe vận tải nối đuôi nhau vượt trọng điểm an toàn. Ta bắn rơi hai máy bay địch.
Tin chiến thắng đèo Cốc Mạc nhanh chóng lan đi khắp mặt trận, trở thành điển hình và dần được áp dụng trên toàn tuyến trong suốt chiều dài chiến tranh, xuất hiện ngày càng nhiều chiến công tại các trọng điểm vang danh: Ngã ba Đồng Lộc, phà Xuân Sơn, ATP, Xiêng Phan, Văng Mu, Tha Mé, Tà Khống...
Cứ như thế, từ năm 1967 đến 1975, Bộ đội Trường Sơn đã đánh hơn 100.000 trận (chủ yếu là hiệp đồng binh chủng), bắn rơi hơn 2.300 máy bay các loại, bảo đảm cho hàng trăm ngàn lượt xe, hàng triệu tấn vật chất ra vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia.
Không chỉ thể hiện ở tài năng “vạch đường, chỉ hướng”, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên còn trực tiếp chỉ đạo Bộ đội Trường Sơn phát triển mạng đường chiến lược thành “trận đồng bát quái” vượt lên trên mọi toan tính của các nhà hoạch định chính sách phía Mỹ. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng coi Đông Dương là chiến trường chung đánh Mỹ, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thường xuyên quan tâm, chăm lo củng cố tình đoàn kết giữa Bộ đội Trường Sơn với nhân dân các bộ tộc Lào, nhân dân Campuchia.
Dù phải chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện muôn vàn khó khăn, nhưng Bộ đội Trường Sơn vẫn thường xuyên tổ chức cứu đói, phối hợp với lực lượng cách mạng và nhân dân hai nước Bạn đánh địch mở rộng vùng giải phóng. Những trọng điểm ác liệt nhất đều in dấu chân và vang vọng lời chỉ huy trực tiếp của ông.
Đáp lại tình cảm sâu sắc ấy, nhân dân các dân tộc Lào và Campuchia trên tuyến hành lang đi qua đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà và góp phần xây dựng bảo vệ con đường trong suốt những năm dài chiến tranh, để đường Trường Sơn không ngừng vươn sâu, vươn xa đưa người và hàng ra mặt trận.
Cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn năm 1975, tuyến chi viện chiến lược (cả Đông và Tây Trường Sơn), đã đi qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương có tổng chiều dài hơn 16.000 km, gồm 6 đường trục dọc theo sườn Đông và Tây Trường Sơn, 25 đường trục ngang vắt qua núi và một hệ thống đường nhánh tỏa ra các chiến trường, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững...
Ngày 20.6.1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sĩ Nguyên đến kiểm tra công trình xây dựng cầu Chương Dương và trực tiếp quét sơn lan can cuối cùng trước lễ thông cầu, 30.6.1985. Ảnh: Cao Phong/TTXVN.
Trong 16 năm hoạt động (1959-1975), tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển khoảng 2,3 triệu tấn vật chất, đưa đón trên 1 triệu lượt người ra vào các chiến trường, phần lớn số đó được thực hiện trong thời gian đồng chí Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh (1967-1975).
Vượt qua mọi thủ đoạn đánh phá tàn bạo của quân thù (địch ném gần 4 triệu tấn bom đạn, tiến hành hàng chục ngàn cuộc hành quân lớn nhỏ), đường Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng, góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp kháng chiến.
Chiến công hiển hách ấy là của chung toàn dân tộc, nhưng cũng in đậm dấu ấn của một cá nhân -Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Năm 1974, ông được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc cách phong quân hàm Trung tướng.
Thời gian có thể xóa mờ dấu chân con người trên tuyến lửa Trường Sơn năm nào, nhưng những công lao, đóng góp to lớn của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cho sự phát triển của tuyến chi viện Trường Sơn nói riêng sẽ còn lưu mãi. Ông xứng đáng là danh tướng kiệt xuất của đường Trường Sơn huyền thoại.
Theo Báo Tin tức