An toàn cho phụ nữ và trẻ em
Bà Từ Thị Phụng
Với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, trong năm 2019 Hội LHPN các cấp đã thể hiện sự đổi mới trong phương thức hoạt động, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với bà Từ Thị Phụng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về vấn đề này.
* Xin bà chia sẻ cách hiểu đúng về khái niệm, phạm vi “an toàn cho phụ nữ và trẻ em” mà Hội LHPN các cấp đang hướng đến?
- Như lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ phát động năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam là “Lấy hạnh phúc, an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động”, chủ đề năm 2019 sẽ tập trung vào 3 nội dung chính. Thứ nhất, an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình (gồm các nội dung: phòng chống bạo lực gia đình; xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em). Thứ hai, an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn trên môi trường mạng. Thứ 3, an toàn trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm.
Các hoạt động thuộc chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2019 sẽ góp phần xây dựng một không gian sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em và phụ nữ.
- Trong ảnh: Trẻ em vui chơi lành mạnh, an toàn trong không gian xanh của Công viên Quy Nhơn.
* Hội LHPN Bình Định sẽ tập trung vào những đầu việc, nội dung trọng tâm nào để thực hiện có hiệu quả chủ đề trong năm 2019?
- Năm 2019, Hội LHPN tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ chính: truyền thông về phòng chống lạm dụng và xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; tổ chức Hội thảo “Vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng”; Hội thi tuyên truyền viên với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; chỉ đạo xây dựng mô hình “nhóm cha mẹ không phân biệt giới tính khi sinh”; thực hiện đề án 938 với chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em”, đề án 929 gắn với sản xuất, kinh doanh an toàn...
Về phía Hội cơ sở, cũng tập trung các nhiệm vụ trọng tâm trên, đồng thời, rà soát, kiện toàn các mô hình phù hợp với từng địa phương, đơn vị đảm bảo mục tiêu mỗi cơ sở Hội có ít nhất một mô hình hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Trưởng làng và cán bộ phụ nữ làng Hà Văn Dưới (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) thăm, chia sẻ với phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình.
* Vai trò của Hội LHPN tỉnh và cơ sở trong giám sát, phản biện việc xây dựng, thực thi chính sách pháp luật về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em sẽ như thế nào trong thời gian đến?
- Hội LHPN tỉnh đã có kế hoạch giám sát, phối hợp kiểm tra, lên tiếng, can thiệp, hỗ trợ một số vụ việc về bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tại Hội nghị trực báo quý I vừa qua, Tỉnh Hội đã yêu cầu Hội cơ sở nắm bắt các vụ việc về bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, kịp thời báo cáo lên cấp tỉnh, thăm hỏi, chia sẻ với gia đình nạn nhân. Đồng thời, có văn bản với cơ quan điều tra để góp thêm tiếng nói, đảm bảo mục tiêu của đề án 938 “Hàng năm không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời”. Ví dụ như trường hợp bé gái ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) bị xâm hại, chúng tôi đã hướng dẫn Huyện hội có văn bản gửi cơ quan điều tra về vụ việc này, đề nghị đảm bảo công tác điều tra, xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật.
Trong quý I/2019, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022. Sắp tới Tỉnh Hội sẽ tiến hành ký kết với các đơn vị cùng cấp, góp phần đảm bảo các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Năm nay, Hội LHPN tỉnh cũng chủ trì kiểm tra, giám sát và phối hợp giám sát các nội dung: địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhà trẻ, trường học; chương trình sữa học đường.
* Xin cảm ơn bà!
Năm 2018, với chủ đề “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Ðáng chú ý, Hội LHPN tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến nước mắm Thanh Hương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) và cơ sở chế biến bánh phở Mai Thị Hải (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).
Mặt khác, xây dựng, nhân rộng 71 mô hình hiệu quả như: “Ăn chín uống sôi, tránh ôi thiu”, “Kinh doanh, mua bán thịt sạch”, “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi”, “Rau an toàn“, “2 dao, 2 thớt”, “Tổ Phụ nữ sản xuất bánh truyền thống”, “Bảo vệ nguồn nước sạch”...
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)