Hoài Ân: Khẩn trương di dời dân vùng sạt lở nguy hiểm
Thời gian qua, được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh và Trung ương, huyện Hoài Ân đã tập trung quy hoạch, triển khai xây dựng các khu tái định cư (KTĐC), nhằm di dời người dân vùng sạt lở nguy hiểm đến các địa điểm an toàn. Đến nay, địa phương đã tổ chức TĐC cho hàng trăm hộ gia đình tại những nơi an toàn trước khi mùa mưa lũ đến.
Xây dựng 3 KTĐC
Do điều kiện địa hình không bằng phẳng, lại có nhiều sông suối chia cắt, trong nhiều năm qua, huyện Hoài Ân là địa phương có khá nhiều hộ dân nằm trong vùng thường xuyên bị nước lũ uy hiếp, vùng ngập lụt sâu. Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện Hoài Ân đã tăng cường đầu tư xây dựng các KTĐC, nhằm từng bước di dời các hộ dân sống trong vùng uy hiếp của thiên tai đến nơi an toàn.
Ông Hoàng Anh Ngọc, Phó Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Hoài Ân, cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa điểm TĐC thôn Vĩnh Đức (xã Ân Tín); KTĐC Đồng Nhà Mười (xã Ân Sơn); KTĐC Gò Sặt (xã Ân Thạnh). Đến nay, hạ tầng các KTĐC nói trên đã được xây dựng hoàn thành, đảm bảo nơi ở an toàn cho trên 230 hộ gia đình. Hiện các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành cấp đất TĐC, di dời được 147 hộ sinh sống tại các vùng sạt lở ven sông An Lão, sông Kim Sơn và các vùng trũng thường xuyên bị ngập lụt”.
KTĐC Gò Sặt có vốn đầu tư trên 6,7 tỉ đồng, diện tích mặt bằng 4,6 ha, đã thi công cơ bản hoàn thành các hạng mục: san nền, nâng mặt bằng, xây dựng hệ thống mương thoát nước, cầu bản cùng các tuyến đường nội bộ, hệ thống điện, trường mẫu giáo và trụ sở thôn, đảm bảo nơi TĐC cho gần 100 hộ dân vùng sạt lở dọc lưu vực sông Kim Sơn và sông An Lão. Qua xét duyệt ưu tiên cho các hộ nằm trong vùng nguy hiểm, đợt đầu tiên địa phương đã cấp đất cho 19 hộ, mỗi hộ 300m2 đất ở tại địa điểm TĐC. Đến nay, 16 hộ gia đình đã xây dựng nhà ở kiên cố, 3 hộ còn lại đang tiến hành xây nhà.
Đối với KTĐC xã Ân Tín, tổng vốn đầu tư hơn 9 tỉ đồng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2012, đảm bảo nơi TĐC cho 110 hộ gia đình sinh sống vùng ngập lụt dọc sông An Lão. Đến nay, KTĐC này đã tiếp nhận hơn 100 hộ gia đình đến xây dựng nhà cửa kiên cố. Riêng từ đầu năm đến nay khu TĐC xã Ân Tín có trên 30 hộ dân di dời đến xây dựng nhà ở. Địa phương đang tăng cường vận động để các hộ còn sinh sống tại các vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến các KTĐC trong năm nay.
Để tạo điều kiện cho các hộ di dời đến các điểm TĐC mới, tỉnh và chính quyền địa phương đã cấp đất không thu tiền cho mỗi hộ gia đình từ 200 - 300m2 đất ở, hỗ trợ tiền công di dời 20 triệu đồng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ xây dựng nhà mới. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã nhanh chóng làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi TĐC, hỗ trợ vốn vay, cấp đất sản xuất, hỗ trợ các loại cây, con giống để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ổn định cuộc sống trên đất mới
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà vừa mới xây của gia đình anh Lê Văn Lạc, tại KTĐC thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín. Anh Lạc phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình tôi sinh sống ở đội 7, gần hồ chứa nước Vạn Hội, do nằm trong vùng hạ lưu của hồ nên cứ đến mùa mưa lũ là nước dâng cao, gây ngập nhà cửa, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, gia đình tôi được xét cấp 400 m2 đất ở và đất sản xuất tại KTĐC mới này. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi đã huy động các nguồn vốn và vay mượn thêm của anh em, nhanh chóng đến xây dựng nhà cửa để đưa gia đình đến nơi ở mới với mong muốn được “an cư lạc nghiệp”. Hiện nay, trên khu đất được giao, tôi đã xây dựng được ngôi nhà rộng 70 m2 và đang tiếp tục xây dựng chuồng trại chăn nuôi để ổn định cuộc sống gia đình trong thời gian sớm nhất.
Tại KTĐC thôn Vĩnh Đức, hầu hết các hộ dân vừa di dời đến xây dựng nhà cửa đều rất hài lòng với điều kiện cơ sở hạ tầng nơi đây. Vợ chồng anh Đào Duy Sơn và chị Trương Thị Ngọc Diệp vừa xây dựng hoàn chỉnh ngôi nhà cấp bốn khang trang, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi cho hai vợ chồng và cậu con trai. Ngoài làm ruộng, anh chị còn làm trang trại nuôi 1.000 con vịt đẻ, ấp trứng bỏ mối, cuộc sống đã khấm khá hơn trước. Anh Sơn cho biết: “Những ngày đầu định cư ở đây, vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn do hệ thống điện nước, đường sá chưa hoàn chỉnh. Giờ thì yên tâm rồi, cơ sở hạ tầng trong thôn được xây dựng hoàn thiện, kinh tế gia đình cũng đã bắt đầu ổn định”.
Ông Cao Đình Nghĩa, một hộ vừa di dời đến xây dựng nhà cửa tại khu TĐC Gò Sặt (xã Ân Thạnh), cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống ở vùng thường xuyên bị ngập lụt ở khu vực ven sông An Lão, mỗi mùa mưa lũ đến phải sống trong tâm trạng bất an, lo lắng. Vì thế, khi được xét cấp đất tại KTĐC Gò Sặt, dù túng thiếu nhưng vợ chồng tôi cũng đã vay mượn xây cho bằng được căn nhà cấp 4 với số tiền hơn 200 triệu đồng. Bây giờ, sống trong nhà mới chúng tôi không còn thấp thỏm lo âu mỗi khi mùa mưa lũ đến. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi, thuê đất trồng rừng để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
NGUYỄN HÂN