Giữ gìn thành quả thanh toán bại liệt
Tại Việt Nam, khi chưa có vắc-xin, bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 2000, Việt Nam được công nhận đã thanh toán bệnh bại liệt. Ðể duy trì thành quả, bảo vệ sức khỏe người dân, hằng năm, ngoài tiêm, uống vắc-xin bại liệt, các địa phương còn triển khai uống bổ sung vắc-xin phòng ngừa bại liệt cho người dân vùng có nguy cơ cao.
Tiêm chủng mở rộng luôn được tỉnh ta quan tâm để bảo vệ sức khỏe thế hệ tương lai, đảm bảo an toàn phòng bệnh cộng đồng.
Việc triển khai uống bổ sung vắc-xin bại liệt bOPV cho trẻ dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao, bao gồm các vùng có tỉ lệ uống vắc-xin bOVP3 trong tiêm chủng thường xuyên thấp dưới 90%, vùng có cửa khẩu quốc tế hoặc vùng biên giới giao lưu tiểu ngạch, vùng miền núi khó khăn - được xem là hết sức cần thiết.
Nhiều năm qua, Việt Nam là quốc gia duy trì tốt tỉ lệ trẻ dưới 1 tuổi được uống vắc-xin bại liệt trong các đợt tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo tốt các chiến dịch cho trẻ dưới 5 tuổi uống vắc-xin bại liệt. Nhờ vậy bệnh bại liệt được khống chế.
Để đảm bảo duy trì tỉ lệ miễn dịch cao phòng bệnh bại liệt xâm nhập, ngoài việc duy trì tỉ lệ uống đủ 3 liều vắc-xin bại liệt nhị liên 2 týp (bOPV: týp 1 và 3) trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi đạt tỉ lệ trên 95% trên toàn quốc, trong năm 2016, Việt Nam đã chủ động chọn vùng nguy cơ cao và triển khai chiến dịch uống vắc-xin bại liệt bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi tại 120 huyện của 19 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95%.
Tại Bình Định, công tác phòng chống bệnh bại liệt luôn thực hiện nghiêm túc, tỉ lệ trẻ được tiêm chủng luôn ở mức cao. Ngày 20.3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 15/KH-UBND về việc triển khai uống bổ sung vắc-xin bOPV cho trẻ 5 tuổi vùng nguy cơ cao tại 3 huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão năm 2019.
Tại Bình Định, công tác phòng chống bệnh bại liệt luôn thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng luôn ở mức cao... Sắp tới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ triển khai uống bổ sung vắc-xin phòng bại liệt tại 26 xã của 3 huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (vùng có nguy cơ cao của tỉnh Bình Định).
Thực hiện Kế hoạch, sắp tới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ triển khai uống bổ sung vắc-xin phòng bại liệt tại 26 xã của 3 huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (vùng có nguy cơ cao của tỉnh Bình Định). Theo đó, sẽ tổ chức 2 vòng chiến dịch cho trẻ uống vắc-xin bại liệt cách nhau 1 tháng (vòng 1 được tổ chức vào tháng 4 và vòng 2 được tổ chức vào tháng 5); toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi đang có mặt tại vùng nguy cơ đã được lựa chọn, bao gồm trẻ đã từng uống hoặc tiêm vắc-xin bại liệt trước đó (trừ trường hợp mới uống vắc-xin bại liệt trong vòng 1 tháng trước ngày triển khai tiêm chủng) sẽ được uống bổ sung vắc-xin bại liệt.
Chị Phan Thị Thanh Hằng (cán bộ chuyên trách mảng tiêm chủng mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, việc uống vắc-xin bại liệt bOPV vốn đã được triển khai ở tất cả 159 xã, phường trên toàn tỉnh. Trung tâm còn tổ chức uống bổ sung vắc-xin ở vùng có nguy cơ cao. Hiện tại thuốc mới được gởi về, Trung tâm sẽ bàn để thống nhất ngày triển khai. Hằng năm, vắc-xin bại liệt được triển khai định kỳ theo chương trình tiêm chủng mở rộng hằng tháng cho trẻ. Ngoài ra, từ tháng 9.2018, tỉnh ta bắt đầu triển khai loại vắc-xin bại liệt IPV, đây là vắc-xin dùng để tiêm.
Để không bỏ sót bất kỳ một trẻ nào, trước khi triển khai Kế hoạch, với sự hỗ trợ của y tế thôn, cộng tác viên dân số, trạm y tế xã sẽ rà soát danh sách trẻ cần được cho uống vắc-xin bOPV trên địa bàn, kể cả trẻ vãng lai, đặc biệt chú trọng vùng sâu vùng xa, vùng giáp ranh và nơi có biến động dân cư. Bác sĩ CKII Lang Đình Bính, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, cho biết: Ngay sau khi có Kế hoạch, huyện tổ chức điều tra nắm được tổng số trẻ cần tiêm trong đợt này. Hiện nay ý thức về việc tiêm chủng, uống vắc-xin phòng bệnh của người dân, đặc biệt là ở đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao, chỉ có vài người đôi khi làm trên rẫy nên quên. Đối với những trẻ bị sót, huyện sẽ tổ chức bổ sung, để đảm bảo an toàn phòng bệnh cho toàn thể cộng đồng.
THẢO KHUY