Cung cấp i - ốt cho cơ thể: Không nên thiếu, cũng đừng để thừa!
I-ốt là vi chất cần thiết đối với sự phát triển của đời sống, sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc thiếu hoặc thừa i-ốt cũng có thể gây ra những rối loạn bệnh, biến chứng nguy hiểm.
Một số năm trước, tỉ lệ độ bao phủ i-ốt có lúc xuống thấp do nhiều nguyên nhân như: Chương trình mục tiêu quốc gia không còn; hoạt động truyền thông, phòng chống giảm; đặc biệt là do ý thức chủ quan của người dân. Nhưng ngay sau đó, mọi việc đã được chấn chỉnh. Theo bác sĩ CKII Hoàng Xuân Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, không chỉ vào Ngày quốc gia phòng chống bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt (2.11), Trung tâm tổ chức thường xuyên các đợt truyền thông, vận động người dân mua và sử dụng muối i-ốt để phòng bệnh. Nhờ đó, năm 2018, tỉ lệ mắc bệnh bướu cổ chung là 2,34%, độ bao phủ muối là 97,5%; i-ốt niệu trung vị trên 10mcg/dt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Tất cả đều đủ tiêu chuẩn.
Bệnh nhân được khám, chẩn đoán bướu cổ tại Khoa Khám, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
“Nếu trong khẩu phần ăn hàng ngày thiếu i-ốt sẽ gây ra nhiều bệnh lý khác nhau được gọi chung là các rối loạn thiếu i-ốt. Tùy theo giai đoạn phát triển của cuộc đời mà sự thiếu hụt i-ốt có tác động khác nhau. Nhưng nguy hiểm nhất là thiếu i-ốt ở trong giai đoạn bào thai sẽ gây những tổn thương về não bộ như đần thần kinh, phù niêm mạc và nhiều tác hại khác ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, thể chất, tâm lý… Thiếu i-ốt ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người ở bất cứ độ tuổi nào, nên việc phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt là trách nhiệm của các cấp các ngành, của tất cả các quốc gia và của toàn xã hội”- bác sĩ CKII Phạm Văn Bảo, Trưởng Khoa Khám (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khuyến cáo.
Nhưng thừa i-ốt cũng gây những rối loạn nguy hiểm không kém. Bác sĩ CKI Phan Châu Du, Khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh) cho biết: Thừa i-ốt gây bệnh cường giáp do tăng tiết hoóc-môn tuyến giáp. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc có i-ốt như thuốc chống loạn nhịp tim amiotarone cũng có thể gây thừa i-ốt.
Một cảnh báo khác, theo bác sĩ Nguyễn Đức Thắng, khoa Ung Bướu (BVĐK tỉnh): Khi ta vô tình phát hiện một khối phồng ở vùng cổ, hoặc với người trên 50 tuổi trở lên thì nên thường xuyên khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng để phát hiện sớm bệnh bướu cổ và điều trị kịp thời.
ĐỖ THẢO