Ðưa điện lưới quốc gia về các làng đặc biệt khó khăn: Tới năm 2020 sẽ cấp đủ
Hiện nay, cả tỉnh ta chỉ còn 6 làng đặc biệt khó khăn thuộc 2 huyện miền núi Vân Canh và Vĩnh Thạnh chưa có điện lưới quốc gia. Do thiếu điện nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đa số các hộ dân thuộc diện nghèo…
Cụ thể, 6 làng chưa có điện lưới quốc gia gồm: làng Chồm, làng Cát, làng Canh Tiến, làng Kà Bông thuộc xã Canh Liên, làng Canh Giao thuộc xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) và làng O2 thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh).
“Chưa có điện nên làng mình nghèo lắm!”
Trả lời câu hỏi liên quan đến “điện lưới quốc gia”, tất cả những bà con đồng bào dân tộc thiểu số tôi có dịp hỏi đều trả lời như thế, trong đó có cả ông Đinh Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Canh Liên. Ông Diễn cho biết: Canh Liên là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vân Canh. Xã có tất cả 8 làng thì có đến 4 làng vẫn chưa có điện lưới quốc gia nên đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế hết sức khó khăn. Do thiếu điện nên người dân sống trong cảnh tù mù, thiếu thốn thông tin, lạc hậu. Chúng tôi rất mong Nhà nước đưa điện lưới quốc gia về các làng này để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Lắp đặt hệ thống pin mặt trời phục vụ thắp sáng sinh hoạt tại làng O2 xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh.
Không có điện lưới, gần như đồng nghĩa với việc không được sử dụng các thiết bị điện, cuộc sống của người dân các làng kể trên vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Ông Đinh Văn Đoàn, một người dân ở làng Kà Bông, kể: “Làng mình chưa có điện, tối đến, nhà nào cũng tù mù trong ánh sáng của bếp củi, đèn dầu. Không có điện thì không được xem tivi như nhiều làng khác, người làng mình thiếu thông tin dữ lắm, đời sống tinh thần nghèo nàn. Có vài nhà mua được đài lắp pin để nghe tin tức, nhưng đài nhỏ thì không đủ cho cả nhà nghe mà đài to thì tốn nhiều pin. Cứ đêm xuống là trẻ nó đi ngủ chứ chẳng học hành gì được!”.
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Khách quan mà nói, có quá nhiều rào cản trong việc đưa điện lưới về làng Chồm, làng Cát, làng Canh Tiến, làng Kà Bông thuộc xã Canh Liên, làng Canh Giao thuộc xã Canh Hiệp. Tất cả các làng này đều nằm ở địa bàn xa xôi, địa hình núi rừng cách trở, dân cư rất thưa thớt, đồng bào sống không tập trung, riêng hệ thống đường dây không thôi đã cần một khoản đầu tư rất lớn. Huyện đã kiến nghị tỉnh, trung ương nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được cũng vì chưa tháo gỡ được vướng mắc này.
Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, điện lưới quốc gia chưa về tới làng O2, xã Vĩnh Kim. Ông Đinh Lời, Trưởng làng O2 tâm sự: “Làng nằm trên đỉnh núi Konlon, đường sá cách trở nên điện lưới quốc gia chưa lên tới nơi. Năm 2018, thấy làng khổ quá, Tỉnh đoàn Bình Định cùng với các đơn vị tài trợ hỗ trợ làng lắp đặt 28 bộ pin năng lượng mặt trời. Nhưng cũng chỉ giúp thắp sáng vào ban đêm, còn để sản xuất thì không đủ. Cả làng O2 có 50 hộ/200 nhân khẩu nhưng có đến 44 hộ nghèo, cả làng ai cũng mong có điện để có thể làm thêm gì đó để tự mình tìm ra cơ hội đổi đời”.
Dùng vốn ODA để dân được dùng điện lưới
Đặt vấn đề “đưa điện lưới quốc gia về các làng đặc biệt khó khăn” khi trao đổi với ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, ông Tổng trăn trở: Tôi chưa bao giờ quên việc tỉnh ta còn 6 làng chưa được dùng điện lưới. Việc này vốn đã nằm trong Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 của Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cấp cho Bình Định, Tổng Công ty Điện lực miền Trung được giao làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013 - 2016 do vốn ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Điện quá ít nên chưa thể triển khai.
Được biết, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương đăng ký kế hoạch, danh mục đầu tư tiểu dự án cấp điện nông thôn sử dụng vốn ODA do EU tài trợ. Ngày 13.12.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo (giai đoạn 2016 - 2020), trong đó có các làng Canh Tiến, làng Chồm, làng Cát, làng Kà Bông xã Canh Liên, làng Canh Giao và làng O2. Tổng kinh phí đầu tư lưới điện cho các làng là hơn 37 tỉ đồng.
“Trong thời gian đến, Sở Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các ngành để sớm triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia cho các làng ở huyện Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ cấp điện lưới quốc gia cho tất cả 6 làng trên”, ông Ngô Văn Tổng cho hay.
N. HÂN