Chuyển đổi vị trí công tác: Không dễ!
Ðịnh kỳ chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức là một trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Song, thực tiễn cho thấy còn nhiều rào cản để đảm bảo hiệu quả của biện pháp này.
Việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27.10.2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (CCVC).
Nhiều nơi “bỏ trống”
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Nội vụ, trong năm 2018, chỉ có 16 sở, ban, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 149 CCVC không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực y tế, kiểm lâm, quản lý thị trường, quản lý tài chính, ngân sách…
TX An Nhơn là địa phương có số công chức được chuyển đổi nhiều nhất trong năm 2018 với 15 người.
- Trong ảnh: Công chức Địa chính - Xây dựng của UBND phường Bình Định tiếp nhận thủ tục hành chính của người dân.
Theo nhận định của Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo phù hợp với năng lực chuyên môn, sở trường của CCVC, tạo điều kiện phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong khi có đến 7/11 địa phương “bỏ trống” công tác này, TX An Nhơn là điển hình với 15 công chức các xã, phường được chuyển đổi vị trí công tác trong năm 2018 với thời hạn 24 tháng. Trong đó, có 6 công chức phụ trách Tài chính - Kế hoạch, 5 công chức Tư pháp - Hộ tịch và 4 công chức Địa chính - Xây dựng. Theo kế hoạch, trong 2 năm 2019, 2020, mỗi năm An Nhơn sẽ chuyển đổi 15 công chức.
Theo Phó trưởng phòng Nội vụ TX An Nhơn Nguyễn Văn Ngà, việc chuyển đổi vị trí công tác tạo môi trường, điều kiện để CCVC được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế ở những vị trí công tác khác nhau. Ngoài ra, việc chuyển đổi vị trí công tác cũng góp phần điều chỉnh, tăng cường CCVC có chuyên môn nghiệp vụ cho các lĩnh vực quản lý, địa bàn cần thiết khi có yêu cầu.
Khắc phục hạn chế
Năm qua, Sở Y tế có 37 lượt CCVC chuyển đổi vị trí công tác, song chủ yếu diễn ra ở nội bộ các đơn vị có quy mô lớn. Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ (Sở Y tế) Trương Kim Anh cho rằng, rất khó chuyển đổi ở các lĩnh vực bắt buộc khi mà thực tế cơ quan, đơn vị chỉ bố trí 1 biên chế, đặc biệt là vị trí kế toán. “Chưa kể, lãnh đạo đơn vị cũng khó yên tâm khi giao công việc quan trọng như sổ sách kế toán cho người khác mà mình chưa đủ tin tưởng”, ông Anh chia sẻ.
“Chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, CCVC là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương”.
Giám đốc Sở Nội vụ LÂM HẢI GIANG
Trong khi đó, ông Lâm Hải Giang cho rằng, điểm đáng chú ý là số lượng vị trí công tác được chuyển đổi trong lĩnh vực “nhạy cảm” như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vẫn còn hạn chế. Một số sở, ban, ngành và UBND cấp huyện chưa quyết tâm thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, còn nể nang, ngại va chạm.
“Việc triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã theo Nghị quyết Trung ương 6 cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác lập danh mục và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với CCVC thuộc phạm vi quản lý”, ông Giang nói.
Theo dõi từ thực tế, ông Nguyễn Văn Ngà cho biết, tâm lý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị cũng như CCVC không muốn thực hiện chuyển đổi do đã quen thuộc, thành thạo với công việc, địa bàn mà mình đảm nhận. Đối với các công chức phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, do chuyển sang đơn vị khác nên bước đầu còn lúng túng, chưa nắm bắt được tình hình.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyển đổi vị trí công tác CCVC trong thời gian tới, cần gắn việc chuyển đổi với đào tạo, bồi dưỡng. Những người thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác ngoài việc có cơ hội tiếp xúc với công việc mới, địa bàn mới cũng có điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng để trưởng thành hơn. Các đơn vị, địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, phân công người giúp đỡ, hướng dẫn để công chức mới chuyển đến yên tâm tư tưởng, nhanh chóng nắm bắt công việc, địa bàn.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đảm bảo việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định không bị lợi dụng để “làm khó” cho công chức được chuyển đến, gây tâm lý hoang mang đối với những người thuộc diện chuyển đổi định kỳ.
MAI LÂM