Nghi lễ kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ đón bằng ghi danh của UNESCO là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống đền Trấn Vũ năm 2019, ngày 7.4, tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP.Hà Nội đã tổ chức Lễ đón nhận bằng ghi danh của UNESCO Nghi lễ kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Kéo co ngồi đền Trấn Vũ. Nguồn: TTXVN
Nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ là một nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc. Trước khi thực hành kéo co, các Mạn chuẩn bị lễ vật là mâm xôi, thủ lợn, hoa quả và tập trung trước sân đền lễ Thánh. Tiếp đó, các Mạn nghe thể lệ thi đấu, bốc thăm và đại diện ba đội lên nâng cây song (dùng để kéo co) ba lần theo nghi lễ để mang song ra nơi kéo.
Mỗi đội kéo thường có 15 - 19 người và 1 tổng cờ. Dây kéo bằng cây song luồn qua một chiếc cột lim, chôn xuống đất gọi là cột đồng trụ. Các trai làng trong Mạn ngồi bệt xuống đất, chân co, chân duỗi lấy gót chân làm điểm tựa để kéo nên được gọi là kéo co ngồi.
Điều đặc biệt của trò biểu diễn kéo co ngồi phải thực hiện trên ruộng hoặc nền đất, xuất phát từ nguồn gốc kéo co ngồi là giằng co cái quang và thúng nước diễn ra ngoài ruộng khi trời bị hạn.
Tháng 12.2015, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vì vậy, việc đón nhận bằng ghi danh của UNESCO đối với Nghi lễ kéo co ngồi truyền thống đền Trấn Vũ là niềm tự hào của nhân dân phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Qua đó, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong gìn giữ di sản để trao truyền cho các thế hệ sau và lan tỏa giá trị di sản ra cộng đồng, cũng như ra toàn thế giới./.
Theo Thanh Thủy (toquoc.vn)