Cảnh giác với chiêu trò lợi dụng quyền tự do hội họp chống phá Việt Nam
Quyền tự do hội họp là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm thực hiện trong thực tế. Tuy nhiên, những năm qua, lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm, các nhà đấu tranh khoác áo “dân chủ, nhân quyền” triệt để lợi dụng quyền này để xuyên tạc, kích động người dân biểu tình, bạo loạn nhằm tập dượt “cách mạng màu” chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Theo "Từ điển tiếng Việt", “hội họp” là “tề tựu đông đảo”, là “tập họp ở một nơi để bàn bạc”. Quyền tự do hội họp là một quyền cơ bản của con người được gặp gỡ, họp mặt để trao đổi, giao lưu, bàn công việc… Việc hội họp có thể mang tính chất gia đình, bạn bè; có thể là sinh hoạt của các tôn giáo, hoạt động của các hội đoàn để thảo luận, giải quyết công việc nội bộ các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Đó cũng là quyền của công dân được gặp gỡ để thảo luận, góp ý kiến về các vấn đề chung của Nhà nước và xã hội.
Theo luật pháp quốc tế, quyền tự do hội họp luôn gắn chặt với quyền tự do ngôn luận và được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Điều 20, Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”. Quy định này tiếp tục được khẳng định tại Điều 11, Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950 và Điều 21, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR). Tuy nhiên, ICCPR cũng khẳng định, quyền tự do hội họp được giới hạn khi cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền và tự do của người khác (Điều 21); không ai được phép lợi dụng quyền tự do hội họp để tuyên truyền cho chiến tranh, hằn thù dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, kích động phân biệt đối xử, tạo thù địch, bạo lực (Điều 20). Trong khuôn khổ pháp luật quốc gia, quyền tự do hội họp cũng được ghi nhận trong hiến pháp, pháp luật nhiều nước như: Luật Biểu tình (Đức), Luật về tuần hành, hội họp, biểu tình, diễu hành và tập trung (Nga), Hiến pháp Hoa Kỳ... Tuy nhiên, luật pháp quốc tế, pháp luật các quốc gia đều khẳng định, tự do hội họp là quyền có thể bị giới hạn trong những trường hợp nhất định nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân.
Qua nghiên cứu pháp luật quốc tế và luật pháp các quốc gia cho thấy, nội dung của quyền biểu tình được ghi nhận với tư cách là nội hàm của hai quyền: Quyền tự do hội họp và quyền tự do ngôn luận.
Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về quyền tự do hội họp, ngay từ khi mới thành lập nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định tự do hội họp là quyền cơ bản của công dân và bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế. Ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 31 nhấn mạnh, tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa; tuy nhiên, những cuộc biểu tình phải khai trình trước 24 giờ với các ủy ban nhân dân sở tại. Xuyên suốt các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam từ trước tới nay, quyền tự do hội họp được khẳng định là một quyền tự do cơ bản của người dân và được Nhà nước ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… theo quy định của pháp luật”. Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm hành vi xâm phạm quyền hội họp của công dân (Điều 163, Bộ luật Hình sự năm 2015).
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng quyền tự do hội họp để tập hợp người dân, nhất là số người có trình độ nhận thức thấp, có bức xúc, mâu thuẫn với chính quyền, bất mãn với chế độ... tham gia đình công, biểu tình nhằm xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT-TTATXH), chống phá Nhà nước, phá hoại sự ổn định của xã hội. Đối tượng cầm đầu lôi kéo, kích động quần chúng biểu tình là những cá nhân, tổ chức phản động, thù địch, số bất mãn, cơ hội chính trị... Lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội phức tạp, nhạy cảm liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật, các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước; bóp méo, thổi phồng tính chất vụ việc; khống chế, lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và lợi dụng hiệu ứng “tâm lý đám đông” để tập hợp, lôi kéo, kích động người dân tụ tập biểu tình, gây rối. Các cuộc hội họp, biểu tình không chỉ dừng lại ở việc phản đối hoặc gây áp lực với chính quyền mà khi có thời cơ sẽ tìm cách thực hiện “cách mạng màu”. Điển hình là vụ kích động, lôi kéo công nhân và người dân tham gia biểu tình ở Bình Dương năm 2014; và mới đây (năm 2018) lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đối tượng thù địch đã lôi kéo hàng nghìn người mang theo băng rôn, khẩu hiệu tụ tập, gây rối trật tự công cộng, đốt phá tài sản, tấn công lực lượng cảnh sát, cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANCT-TTATXH ở nhiều địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận... Sau khi các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng gây rối, giải tán người dân tham gia; bắt giữ, xử lý các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, chúng đã “tát nước theo mưa” xuyên tạc rằng, việc xử lý những đối tượng này là đàn áp dã man những người “biểu tình yêu nước”, kêu gọi Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế can thiệp.
Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền của mọi người dân được bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai và mạnh mẽ nhất đối với các chủ thể khác mà đặc biệt là đối với Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do hội họp, biểu tình gây mất ổn định ANCT-TTATXH, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân.
Nhằm phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng quyền tự do hội họp để biểu tình xâm phạm ANCT-TTATXH, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó, chủ động nắm tình hình các địa bàn trọng điểm, các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất… thường xảy ra biểu tình, tụ tập đông người; nắm hoạt động số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị ở địa phương để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động người dân tham gia biểu tình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn lợi dụng quyền tự do hội họp để chống phá Nhà nước; vận động bà con tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, không nghe theo kẻ xấu lôi kéo tham gia biểu tình. Kịp thời giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp nảy sinh trong nhân dân trên cơ sở pháp luật, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp; không để kẻ địch lợi dụng, tạo cớ kích động đình công, biểu tình. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện thường trực đấu tranh, phòng, chống gây rối, bạo loạn tại các địa bàn trọng điểm thường xảy ra đình công, biểu tình theo hướng chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Cùng với đó, chủ động vô hiệu hóa ý đồ liên kết trong, ngoài của các tổ chức phản động lưu vong với số chống đối, cực đoan trong nước để tập hợp lực lượng biểu tình, gây bạo loạn.
Trong những năm tới, quyền tự do hội họp vẫn là vấn đề mà các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam. Để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động này, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá và dự báo kịp thời âm mưu, thủ đoạn lợi dụng quyền tự do hội họp để biểu tình, bạo loạn; nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc trong nhân dân để tham mưu, đề xuất các cơ quan chức năng giải quyết triệt để, thỏa đáng trên cơ sở pháp luật. Kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc… để khắc phục, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, “điểm nóng”ngay từ cơ sở, không để kéo dài, lây lan, vượt cấp. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, giải quyết tốt các vụ việc phức tạp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, tránh tạo sơ hở để bên ngoài lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá. Tiếp tục tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định ANCT-TTATXH ở các địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Tiếp tục tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng, đủ quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong bảo đảm quyền tự do hội họp ở Việt Nam, góp phần đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng vấn đề này can thiệp nội bộ nước ta, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do hội họp để biểu tình gây rối, bạo loạn, coi đó là trách nhiệm của mọi cấp, các ngành và nhân dân để huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này. Việc giải quyết vấn đề tụ tập đông người, biểu tình, đình công phải thực hiện đúng cơ chế: Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện; chính quyền quản lý, điều hành; lấy vận động, thuyết phục là chính, kiên quyết thu hẹp vụ việc, không để lây lan, kéo dài; xử lý nghiêm theo pháp luật số đối tượng cầm đầu, chủ mưu kích động, lôi kéo người dân tụ tập biểu tình gây rối...
Theo TÂN LONG (QĐND)